Để khắc phục tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cảng biển do phòng chống dịch COVID-19, cũng như cước vận tải biển ngày càng cao, Trung Quốc đã chuyển hướng mạnh sang vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt với các đối tác thương mại, trong đó có ASEAN. Trong tháng 4, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua đường sắt tăng hơn 10%.
Một chuyến tàu hỏa chở hơn 60 container thiết bị cơ khí, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô từ TP Trùng Khánh đến tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và bằng tàu cao tốc đến Mandalay, Myanmar. Tuyến quốc tế mới kết nối nội địa Trung Quốc với 1 quốc gia ASEAN dài hơn 2.000 km vận chuyển hàng hóa 15 ngày so với đi bằng cách truyền thống 35 ngày, tiết kiệm được 20% chi phí.
Trung Quốc đang chuyển hướng mạnh sang vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Từ cảng biển Myanmar, hàng hóa xuất khẩu của Trùng Khánh, các tỉnh lân cận nằm sâu trong nội địa của Trung Quốc sẽ đến các nước châu Âu, châu Phi, Trung Đông và Nam Á.
Qua tuyến đường sắt, tháng 4 vừa qua, Trung Quốc xuất hơn 132.000 tấn hàng hóa sang Lào và có xu hướng tăng mạnh. Nông sản từ Lào cũng được xuất mạnh sang Trung Quốc. Nông sản Việt Nam sẽ có thêm nhiều nước cạnh tranh tại thị trường tỷ dân.
Từ tuyến đường sắt cao tốc Côn Minh (Trung Quốc) - Viêng Chăn (Lào) dài hơn 1.000 km, được đầu tư hơn 6 tỷ USD, với hơn 2/3 vốn là từ Trung Quốc, nước này đặt mục tiêu sẽ tiếp tục xây dựng kéo dài đến Thái Lan, Malaysia và đến Singapore - một phần trong chiến lược xây dựng mạng lưới liên kết cơ sở hạ tầng khắp Đông Nam Á.
Việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng nối dài các tuyến đường sắt của Trung Quốc đến các nước ASEAN góp phần nâng kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa các địa phương vùng sâu Trung Quốc với các nước không giáp biển của ASEAN. Nó cũng giúp kết nối giữa Trung Quốc với các nước Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!