Trung Quốc thực hiện chính sách nào để đảm bảo chuỗi hàng hóa thông suốt?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 29/01/2022 14:43 GMT+7

VTV.vn - Tại Trung Quốc, hơn một tỷ người dân nước này cũng đang náo nức đón chờ đón Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, không phải khu vực nào cũng được thoải mái đón Tết vì Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách Zero COVID một cách hết sức triệt để và những khu vực phát hiện thấy những ca dương tính mới sẽ phải tiến hành xét nghiệm trên diện rộng và phong tỏa.

Trung Quốc liên tục ghi nhận các ca nhiễm mới

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, hôm 27/1, nước này ghi nhận 39 ca lây nhiễm COVID-19 có triệu chứng trong cộng đồng, tại các tỉnh thành Chiết Giang, Hắc Long Giang, Thiên Tân và thủ đô Bắc Kinh. Giới chức Bắc Kinh đã hạn chế đi lại ở nhiều khu vực trong thành phố nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19, trước thềm Olympic mùa đông. Quận Phong Đài - nơi ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng cao nhất ở Bắc Kinh, đã mở rộng áp dụng quy định người dân không rời khỏi nhà nếu không cần thiết và phải tiến hành xét nghiệm hằng ngày. Trước đó, quận này đã phong tỏa một số khu vực, ảnh hưởng tới hàng chục nghìn cư dân.

Trung Quốc thực hiện chính sách nào để đảm bảo chuỗi hàng hóa thông suốt? - Ảnh 1.

Nhân viên mặc đồ bảo hộ đứng trước một khu vực bị phong tỏa ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc vào ngày 20/12 - Ảnh: Reuters.

Tết Nguyên đán tại Trung Quốc gần như trùng hợp với Olympic Bắc Kinh 2022, diễn ra từ ngày 4-20/2 và điều này khiến việc duy trì xã hội không dịch bệnh càng khó khăn do Trung Quốc phải mở cửa sân bay tiếp đón các đoàn vận động viên và quan chức quốc tế. Cho đến nay, Ban Tổ chức Thế vận hội đã công bố gần 100 trường hợp dương tính COVID-19 từ những người liên quan đến Olympic mùa đông.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên chương trình Tạp chí kinh tế cuối tuần tôi đã có cuộc trao đổi phóng viên Châu Thái Bình, thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại Trung Quốc.

PV: Xin chào anh Thái Bình, trong bối cảnh liên tiếp phát hiện các ca nhiễm mới, Chính phủ Trung Quốc có biện pháp nào để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán này?

PV Thái Bình: Tại thủ đô Bắc Kinh, mỗi ngày có vài ca COVID-19, sắp diễn ra Olympic nên quản lý dịch bệnh rất nghiêm nhưng hàng hóa phong phú. Thịt lợn, mặt hàng chiến lược trong rổ chỉ số giá tiêu dùng CPI chỉ tăng nhẹ, không đáng kể. Tại chợ lẻ, thịt ba chỉ, thịt sườn từ 180.000 – 200.000 đồng Việt Nam/kg. Chợ đầu mối, rẻ hơn 10-15%. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm Tết khác hầu như giá ít biến động.

Những năm gần đây, tôi hiếm khi thấy hiện tượng té nước theo mưa, tăng giá. Người bán thích giữ mối lâu dài với người mua. Ngoài ra, cạnh tranh giữa siêu thị, chợ truyền thống và thương mại điện tử ngày càng khốc liệt nên người mua được lợi rất lớn về giá cả. Một số mặt hàng liên quan đến nhập khẩu như hải sản, trái cây có hiện tượng thiếu hàng, giá tăng nhưng không đột biến. Chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt, hàng nhập khẩu vào bị ách tắt nên thiếu cục bộ. Tôi thấy Tết cũng chẳng cần tích trữ đồ ăn nhiều hay nấu nướng gì bởi các nền tảng thương mại điện tử vẫn giao hàng các loại thức ăn nấu sẵn hàng ngày, 15 - 30 phút là có.

Trung Quốc thực hiện chính sách nào để đảm bảo chuỗi hàng hóa thông suốt? - Ảnh 2.

Vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, lại vừa phải duy trì chính sách Zero COVID trong thời điểm lưu lượng giao thông tăng đột biến, rõ ràng không phải là nhiệm vụ đơn giản. Vì vậy, chính phủ Trung Quốc đã khuyến cáo người dân ở những vùng có dịch hạn chế đi lại và ngừng các hoạt động tụ tập không cần thiết ngay cả trong dịp Tết nguyên đán. Điều này đã thúc đẩy hoạt động mua sắm Tết online lên ngôi.

PV: Nhu cầu hàng hóa rất lớn, vậy chính phủ Trung Quốc có chính sách cụ thể gì để đảm bảo bình ổn giá cả dịp Tết nguyên đán?

PV Thái Bình: Chính quyền, người dân Trung Quốc đã quá quen khi chung sống với chính sách Zero COVID rồi. Vùng dịch hàng hóa vận chuyển theo luồng xanh nên không bị tắc nghẽn. Thương mại điện tử phát triển như vũ bão, nhiều người nông dân ít phải qua trung gian mà bán hẳn lên thương mại điện tử hay cung cấp cho các đầu mối sỉ nên giá cả hàng tiêu dùng khá thấp. Chính thương mại điện tử, hệ thống chợ đầu mối, chuỗi siêu thị được quy hoạch khá bài bản đã giúp cho chuỗi cung ứng hàng tết của nước này khá nhịp nhàng. Và khi bị thiếu hàng, các kho dự trữ hàng hóa chiến lược quốc gia sẽ xả hàng để bình ổn giá. Các mặt hàng dự trữ gạo, thịt lợn… luôn dồi dào. Pháp luật nước này cũng xử lý rất mạnh tay nạn đầu cơ, lũng đoạn, tăng giá vô tội vạ. Năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng CPI của TQ chỉ tăng 0,9% - thấp nhất các nền kinh tế lớn.

Mua sắm Tết online nhộn nhịp tại Trung Quốc

Hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ, chị Li quyết định ở lại Bắc Kinh đón Tết Nguyên đán thay vì quê như mọi năm. Chị đã đặt mua trực tuyến nhiều loại thực phẩm nấu sẵn, để sử dụng trong dịp Tết.

Chị Li, người tiêu dùng Trung Quốc, cho biết: "Những người trẻ tuổi thường lựa chọn các loại thực phẩm, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Các loại thức ăn chế biến sẵn này chỉ cần cho vào lò vi sóng trước khi sử dụng. Chúng tôi có thể thoải mái lựa chọn những khẩu vị, mùi vị khác nhau".

Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc, nhiều nền tảng trực tuyến đã chuẩn bị nhiều thực đơn phong phú đa dạng, theo phong cách truyền thống để cung cấp trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Ông Zhang Yuanfeng, đại diện nền tảng bán lẻ thực phẩm trực tuyến, nói: "Theo dữ liệu bán hàng của chúng tôi, súp gà bong bóng cá hay phật nhảy tường là những món ăn bán chạy nhất. Xu hướng bán hàng cho thấy, nhu cầu của người tiêu dùng đối với những món ăn truyền thống dịp Tết đang liên tục tăng mạnh".

Trung Quốc thực hiện chính sách nào để đảm bảo chuỗi hàng hóa thông suốt? - Ảnh 3.

Không chỉ bùng nổ ở các thành phố lớn, nhu cầu mua sắm trực tuyến cũng đang gia tăng mạnh tại các thành phố nhỏ hay vùng nông thôn.

Ông Song Wei, Giám đốc nền tảng thương mại điện tử, cho biết: "Trong những năm trước, khách hàng của chúng tôi chủ yếu là người tiêu dùng ở các thành phố cấp 1, cấp 2. Nhưng từ đầu năm nay, lượng đơn hàng từ các thành phố cấp 3 hoặc thấp hơn đã tăng gần 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Cung và cầu đối với các gói quà vặt cũng bùng nổ ở khu vực nông thôn".

Nhu cầu mua sắm trực tuyến được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những ngày tới, thúc đẩy mạnh mẽ ngành bán lẻ Trung Quốc. Các số liệu thống kê cho thấy, trong năm ngoái, dịch bệnh và thói quen giãn cách đã giúp doanh số bán hàng, dịch vụ trực tuyến tại Trung Quốc vượt mốc 2 nghìn tỷ USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước