Nga: Con đường chông gai để giảm lạm phát

Thường trú Đài THVN tại Nga-Thứ ba, ngày 26/11/2024 18:06 GMT+7

VTV.vn - Ở thời điểm này, tốc độ lạm phát ở Nga đã vượt mức 8,5% và được dự báo sẽ còn cao hơn vào tháng cuối năm.

Định hướng chính sách tiền tệ của Nga trong giai đoạn từ năm 2025 - 2027 mới đây đã được Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga trình bày tại Duma Quốc gia và nhận được sự ủng hộ của các đại biểu. Theo đó, thống nhất mục tiêu là đảm bảo ổn định giá cả và đưa lạm phát về mức 4%. Báo chí Nga đã gọi đây là con đường chông gai, khi lãi suất cơ bản do Ngân hàng Trung ương Nga đặt ra đang ở mức kỷ lục và trở thành chủ đề kinh tế được quan tâm nhiều nhất hiện nay.

Ở thời điểm này, tốc độ lạm phát ở Nga đã vượt mức 8,5% và được dự báo sẽ còn cao hơn vào tháng cuối năm. Chống lạm phát là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, chính sách thắt chặt tiền tệ với lãi suất cơ bản cao kỷ lục 21% của Ngân hàng Trung ương Nga đang đặt ra nhiều câu hỏi.

Các chuyên gia của tờ Đoàn viên Moscow e ngại về "bong bóng" trên thị trường tiền gửi và những rủi ro tài chính. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, tính đến cuối mùa hè năm nay, lượng tiền tiết kiệm người Nga gửi vào đạt 50,4 nghìn tỷ Rúp. Con số này là hơn 1/4 GDP dự kiến trong năm nay. Dự báo vào cuối năm sau, tổng khối lượng tiền gửi có thể vượt quá 60.000 tỷ Rúp. Liệu có thể trả số tiền này và trả cả lãi mà không gây khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng hay không?

Nga: Con đường chông gai để giảm lạm phát - Ảnh 1.

Ở thời điểm này, tốc độ lạm phát ở Nga đã vượt mức 8,5% - Ảnh: AFP/TTXVN

Những câu hỏi chưa có lời giải đáp dẫn đến sự hoang mang. Người đứng đầu Uỷ ban về Thị trường tài chính Duma Quốc gia Nga Anatoly Aksakov mới đây đã phải lên tiếng bác bỏ khả năng đóng băng tiền gửi của người dân do lạm phát. Một số chuyên gia cho rằng, việc hạn chế khả năng tiếp cận tiền tiết kiệm sẽ tạm thời làm giảm sức mua. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, xác suất đóng băng tiền gửi là cực kỳ thấp, bởi niềm tin mà Ngân hàng Trung ương đã xây dựng trong nhiều năm qua là cái giá quá đắt phải trả để áp dụng biện pháp đóng băng.

Trên báo Nga Rossiyskaya Gazeta, nhà phân tích Georgy Bovt cho rằng, lãi suất cơ bản của Ngân hàng Trung ương Nga hoàn toàn không theo "cách cổ điển", chủ yếu là vì trong điều kiện đặc biệt hiện nay, lạm phát phần lớn có bản chất phi tiền tệ. Chúng bao gồm chi phí khổng lồ về hậu cần, thanh toán tài chính (do lệnh trừng phạt) và buộc phải thay thế nhập khẩu (với giá cao hơn giá thế giới). Tình trạng thiếu lao động trong nhiều ngành gây ra "cuộc đua tiền lương". Và những khoản đầu tư từ ngân sách đóng vai trò quan trọng trong việc bão hòa thị trường.

Ngân hàng Trung ương Nga mới đây tuyên bố không loại trừ việc giảm dần lãi suất cơ bản vào năm 2025 nếu lạm phát chậm lại và không có cú sốc mới bên ngoài. Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát tháng 11 vẫn đang rất tiêu cực. Nếu xu hướng này tiếp tục thì vào cuối tháng 12, Ngân hàng Trung ương không chỉ tăng lãi suất lên 23%/năm mà khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa sẽ được "đặt lên bàn cân".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước