Triển vọng xuất khẩu nông sản Việt

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 23/01/2023 09:17 GMT+7

VTV.vn - Nông dân ở những vựa trái cây và nông sản trên cả nước hy vọng bước vào năm mới Quý Mão với nhiều thắng lợi mới.

Triển vọng xuất khẩu gỗ năm 2023

Nhìn lại năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 15,8 tỷ USD, tức giảm 700 triệu USD so với kế hoạch. Bước sang năm 2023, xuất khẩu gỗ kỳ vọng tăng trưởng khá, khi lượng tồn kho của năm cũ đang vơi dần.

Hiện tại, ngành gỗ đang chuẩn bị cho đơn hàng mới, bởi các cuộc triển lãm, hội chợ lớn của ngành gỗ cũng đang tới gần, kỳ vọng mang lại tăng trưởng cho xuất khẩu trong năm mới.

Tới thời điểm này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã có đơn hàng đến hết quý I. Điều này cho thấy dấu hiệu khởi sắc của xuất khẩu gỗ trong năm nay. Tập trung đổi mới mẫu mã sản phẩm, bên cạnh đó tìm kiếm thị trường tiềm năng, ngành gỗ Việt đang đặt kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7 - 9%.

Sử dụng lao động có tay nghề cao, nên thay vì sản xuất đại trà, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào mẫu mã độc đáo, chất lượng.

Triển vọng xuất khẩu nông sản Việt - Ảnh 1.

Cuối năm 2022, xuất khẩu gỗ chững lại bởi ảnh hưởng tình hình thế giới, dự kiến đến quý II/2023, các đơn hàng cơ bản được khôi phục, đạt khoảng 82 - 85%.

Bên cạnh tiết giảm chi phí, tái cơ cấu lại, doanh nghiệp đang tích cực tham gia các triển lãm, hội chợ để tìm kiếm đơn hàng mới khi Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu gỗ.

Năm 2023, ngành gỗ kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7 - 9%, tương đương 18 tỷ USD. Giải pháp đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới gần Việt Nam hơn như thị trường châu Á được nhiều doanh nghiệp đang ráo riết thực hiện trong bối cảnh giá nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển tăng mạnh.

Kỳ vọng xuất khẩu trái cây tăng trưởng 20% 

Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt hơn 3,3 tỷ USD. Kết quả này được đánh giá là khá tích cực. Theo các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, đây được xem là tiền đề để ngành xuất khẩu trái cây Việt Nam bứt phá trong năm 2023.

Cuối tháng 11/2022, lô bưởi đầu tiên với khoảng 40 tấn của Việt Nam đã chính thức xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đây là thị trường lớn đầy tiềm năng, với giá trị kinh tế có thể tăng đến 10 lần so với tiêu thụ nội địa.

Nhờ vậy, doanh thu của đơn vị xuất khẩu bưởi trong năm 2022 đã tăng trưởng đến 60% và tiếp tục kì vọng tăng trưởng trong năm 2023, khi mà Bộ NN&PTNT đang tiến hành đàm phán thêm ở nhiều thị trường khác như Nhật, New Zealand, Australia...

Bà Ngô Trường Vy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết: "Mọi người nhận xét trái bưởi da xanh của Việt Nam mình đến thời điểm hiện tại ở tại thị trường Mỹ gần như là ngon nhất. Chúng ta càng phải làm tốt hơn nữa để làm sao giữ vững được những lô tiếp theo không phải của riêng Chánh Thu mà là của các doanh nghiệp khác cũng phải có sự đồng đều về chất lượng để làm nên thương hiệu quốc gia. Năm 2023 phải là năm thay đổi, thay đổi về canh tác, thay đổi về sản lượng để chúng ta có thể làm được những cột mốc lớn hơn".

Triển vọng xuất khẩu nông sản Việt - Ảnh 2.

Trước đó, vào tháng 9/2022, sau hơn 4 năm đàm phán và trải qua nhiều quy trình kiểm tra chặt chẽ, thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới Trung Quốc chính thức mở cửa cho sầu riêng tươi Việt Nam nhập khẩu chính ngạch. Đây được xem là cột mốc quan trọng đối với hành trình đưa trái cây Việt ra thế giới.

"Năm 2023, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng từ 30 - 40% bởi chúng tôi đã có 2 sản phẩm chủ lực là bưởi qua Mỹ và sầu riêng qua Trung Quốc. Ngày 8/1, thị trường Trung Quốc cũng đã nới lỏng chính sách Zero-covid cũng như mở cửa lại hoàn toàn đó là những niềm tin cho chúng tôi kỳ vọng", ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T nói.

Năm 2023, các mặt hàng trái cây chủ lực chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng đàm phán tại nhiều thị trường mới. Dự báo, năm 2023, xuất khẩu trái cây Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2022.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2023 xuất khẩu trái cây Việt Nam kỳ vọng đạt khoảng 4 tỷ USD. Với chất lượng ngày càng đi lên, đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe từ các thị trường khó tính, mặt hàng trái cây cũng được dự báo là sẽ liên tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Bộ NN&PTNT cũng xây dựng kế hoạch đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu trái cây sẽ là 5 tỷ USD.

Nông sản Việt ghi dấu ấn tại thị trường Pháp Nông sản Việt ghi dấu ấn tại thị trường Pháp

VTV.vn - Sau hơn 1 năm Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam đưa vào thực thi, nông sản Việt Nam đã để lại một dấu ấn đáng kể trong thị trường tiêu dùng của Pháp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước