Thí điểm dùng cát biển san lấp dự án giao thông

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 05/06/2024 11:20 GMT+7

VTV.vn - Việc triển khai thí điểm sử dụng cát biển, về chỉ tiêu cơ lý đã đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường theo tiêu chuẩn quốc gia về Nền đường ô tô - thi công và nghiệm thu.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long nhu cầu cát cho 355km đường cao tốc vào khoảng 54 triệu m3, nhưng các nguồn cung lại hạn chế, mà chủ yếu là vướng mắc thủ tục. Khi tiến độ hoàn thành không còn xa, phương án sử dụng cát biển đã được tính đến.

Một trong giải pháp bù số lượng cát lên tới 26 triệu m3 vốn chưa xác định nguồn cung là dùng cát biển. Theo đó, tuyến đường ĐT 978, đoạn giao với dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau được sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường có taluy 1,5m hai bên và lót vải địa kỹ thuật với chiều dài 300m. Nguồn cát biển được lấy từ Trà Vinh với khối lượng 6.000m3.

"Chất lượng công trình tương đương với cát nước ngọt, không có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Nếu nguồn cát biển được khơi thông về mặt pháp lý thì nhà thầu đã sẵn sàng đưa cát biển về để thi công công trình", ông Hồ Minh Đường - Giám đốc điều hành gói thầu XL01, Cao tốc Hậu Giang - Cà Mau cho biết.

Vấn đề sử dụng cát biển trong xây dựng đã có tiền lệ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam do là lần đầu thí điểm nên các vấn đề về ảnh hưởng cát mặn tới môi trường, tính liên kết vật liệu đang được nghiên cứu và đề xuất nhân rộng.

Ông Lê Hữu Việt Đức - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng, chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho hay: "Thực chất vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nước lợ, nó cũng đã mặn rồi, ở một độ mặn cho phép, mình đưa cát khai thác, kiểm tra độ mặn thấp hơn thì hoàn toàn có thể sử dụng được. Cát biển thường mịn hơn do đó kỹ thuật làm đòi hỏi sẽ khác một chút so với cát sông".

"Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị thi công khu vực Kiên Giang, Cà Mau là những khu vực nước lợ, có môi trường độ mặn tương đồng để có thể áp dụng cát biển làm phần nền hạ của đường cao tốc cũng như làm một số tuyến nối ở khu vực nối vào đường cao tốc", ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn cát biển có thể khai thác tốt thuộc vùng biển 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Hiện trữ lượng rất dồi dào, lên tới hàng tỷ m3. Việc triển khai thí điểm sử dụng cát biển thời gian gần đây, các cơ quan chức năng cho biết: về chỉ tiêu cơ lý đã đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường theo tiêu chuẩn quốc gia về "Nền đường ô tô - thi công và nghiệm thu". Mới đây, Chính phủ cũng đề xuất nghiên cứu mở rộng thí điểm để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm.

Triển khai sớm việc sử dụng cát biển thay thế cho nguồn cát đang thiếu. Đây là kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong buổi làm việc gần đây với các tỉnh, thành phía Nam về giải quyết vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm. Để có thể cân đối mục tiêu vừa đảm bảo đáp ứng vật liệu vừa có thể đảm bảo môi trường, chúng ta cần một tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc và thận trọng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước