Tăng trưởng GDP quý I 3,32% phản ánh đúng dự báo

Thuỳ An-Thứ hai, ngày 03/04/2023 20:03 GMT+7

VTV.vn - Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, mức tăng trưởng 3,32% trong quý I là mức khá so với bình quân chung trên thế giới và cần ghi nhận một cách khách quan.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023 chiều 3/4, trả lời câu hỏi của báo chí về kết quả này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tăng trưởng GDP quý đầu năm 2023 đạt mức thấp, song đã phản ánh đúng thực tế cũng như dự báo được đưa ra trước đó.

Vừa qua, Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế quý I/2023, trong đó tăng trưởng kinh tế ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01 (kịch bản là 5,6%).

Tăng trưởng GDP quý I 3,32% phản ánh đúng dự báo - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Theo ông Phương, thời điểm xây dựng kịch bản trong Nghị quyết 01, bối cảnh khi đó được nhận định là có nhiều khó khăn, thách thức, cơ hội song khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Trước bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục phức tạp hơn. Kinh tế thế giới có xu hướng xụt giảm. Giá một số mặt hàng chiến lược không ổn định. Lạm phát thế giới hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Chính sách tiền tệ các nước tiếp tục thắt chặt. Các rủi ro gia tăng, nhất là thị trường tài chính, ngân hàng toàn cầu; một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu phải ngừng hoạt động, phá sản, trong đó có cả những ngân hàng có lịch sử lâu đời…, tất cả đều tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

Là quốc gia nền kinh tế có độ mở lớn, trước bối cảnh nêu trên, theo ông Phương, tăng trưởng GDP quý I đạt 3,32% vẫn là mức khá so với bình quân chung trên thế giới. "Đây cũng là kết quả mà chúng ta nên ghi nhận một cách khách quan", ông Phương nói.

Về giải pháp trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm 2023 mà Quốc hội giao thì cần sự nỗ lực, cố gắng rất lớn.

Trong đó, cần tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

"Đây là yếu tố nền tảng để triển khai các giải pháp khác, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trong quý II và các quý cuối năm", ông Phương nhấn mạnh.

Trong các giải pháp vĩ mô, ông Phương cho hay có 2 chính sách trọng tâm là chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm và chính sách vĩ mô khác.

Với tác động của tiền tệ thế giới, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang gặp rất nhiều thách thức. Trong quá trình điều hành, đòi hỏi mức độ nhạy bén cũng như tính kịp thời và linh hoạt, phải  đảm bảo nguồn lực cho các ngành kinh tế hoạt động ổn định và phát triển.

Bên cạnh đó, rà soát tiếp các chính sách, các động lực tăng trưởng còn lại của nền kinh tế để lấy tăng trưởng của khu vực thuận lợi bù đắp cho khu vực khó khăn.

"Trong phân tích của Tổng cục Thống kê, khu vực chế biến chế tạo găp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng âm. Vì vậy, những động lực còn lại cần phải tập trung hơn, trong đó cần đưa ngành dịch vụ trở thành trụ đỡ cho những ngành khác", vị Thứ trưởng nhìn nhận.

Ở khía cạnh tiêu dùng, phần động lực xuất khẩu có giảm, song về cân đối vẫn duy trì mức thặng dư xuất khẩu với xuất siêu đạt 4%. Còn trong lĩnh vực đầu tư, đầu tư FDI, tư nhân vẫn giữ được mức tăng trưởng dương, trong đó nhấn mạnh vai trò của đầu tư công.

Tăng trưởng GDP quý I 3,32% phản ánh đúng dự báo - Ảnh 2.

Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành dịch vụ trong việc duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Theo Thứ trưởng, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, địa phương hết sức quan tâm đến thúc đẩy giải vốn đầu tư công. "Đây cũng là vấn đề then chốt động lực về đầu tư cho tăng trưởng kinh tế cả nước", ông Phương nêu rõ.

Đáng chú ý, phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ cần tháo gỡ ngay từ cấp cơ sở phải chủ động triển khai các giải pháp ngay tại địa phương.

"Ngay ở cấp địa phương thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho từng địa phương và của cả nền kinh tế", ông Phương nói và khẳng định, có như vậy mới phần nào vượt qua được khó khăn ban đầu của quý I, tiến tới đạt được mục tiêu trong quý còn lại của năm 2023.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước