GDP quý I/2023 tăng 3,32%

Thuỳ An-Thứ tư, ngày 29/03/2023 09:41 GMT+7

VTV.vn - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 chỉ cao hơn quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Theo báo cáo Kinh tế - Xã hội quý I mới được Tổng cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22%.

Theo Tổng cục Thống kê, khu vực dịch vụ trong quý I/2023 thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh…

Thống kê cho thấy, trong quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, tính chung 3 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 2,7 triệu lượt người, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm trước.

GDP quý I/2023 tăng 3,32% - Ảnh 1.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương công bố tình hình kinh tễ - xã hội quý I/2023

Tuy nhiên khu vực công nghiệp và xây dựng - một trong những động lực chính của nền kinh tế chứng kiến sự suy giảm trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh. Theo Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp quý I năm 2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước.

"Đây là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Ngân sách Nhà nước bội thu hơn 120.000 tỷ đồng

Về thu chi ngân sách nhà nước, tổng thu ngân sách Nhà nước quý I ước đạt 491.500 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách ước đạt 363.400 tỷ đồng. Như vậy sau quý I, ngân sách Nhà nước bội thu hơn 128.000 tỷ đồng.

Liên quan đến tình hình xuất nhập khẩu, tính chung quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD).

Trong 3 tháng đầu năm, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD.

GDP quý I/2023 tăng 3,32% - Ảnh 2.

Tính chung quý I năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD

Về đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,32 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Dòng tiền vào chứng khoán giảm mạnh

Về thị trường chứng khoán, theo Tổng cục Thống kê, trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 27/3/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.050,24 điểm, tăng 2,49% so với cuối tháng trước và tăng 4,28% so với cuối năm 2022. Mức vốn hóa thị trường đến ngày 28/02/2023 đạt 5,31 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với cuối năm 2022.

Tính chung quý I năm 2023, giá trị giao dịch bình quân thị trường cổ phiếu ước đạt 11.437 tỷ đồng/phiên, giảm 43,3% so với bình quân năm 2022.

Còn trên thị trường trái phiếu, bình quân quý I năm 2023 đạt 4.740 tỷ đồng/phiên, giảm 38,3% so với bình quân năm 2022.

Tổng cục Thống kê đánh gia, thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây chịu ảnh hưởng nhất định trước những biến động của tình hình kinh tế thế giới. Tăng trưởng của thị trường chứng khoán phụ thuộc vào động thái của chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cũng như sức bật của doanh nghiệp.

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đánh giá, bước sang quý II/2023, kinh tế - xã hội dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. 

"Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 là thách thức lớn", bà Hương nhận định.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, bà Hương cho rằng cần thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cũng như có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...

Bên cạnh đó cần triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch; các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu...

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao...


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước