Hiện nay, vải thiều Việt Nam đang được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng tỉnh Bắc Giang năm nay dự kiến xuất khẩu hơn 1.600 tấn vải vào những thị trường khó tính như Mỹ, EU.
Tỉnh Bắc Giang hiện đã chú trọng tới việc nâng cao chất lượng, mở rộng diện tích vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Vùng trồng vải thiều lớn của Việt Nam chủ yếu ở Bắc Giang, Hải Dương. Tuy nhiên, ở miền Bắc lại chưa có Trung tâm chiếu xạ được phía Mỹ chấp thuận, khiến vải phải đưa vào TP Hồ Chí Minh đóng gói, chiếu xạ, phát sinh nhiều chi phí.
Ngoài ra, trái vải nếu vận chuyển bằng đường biển mất nhiều thời gian gây áp lực cho công nghệ bảo quản. Còn vận chuyển bằng hàng không, chi phí lại cao.
Phân loại sản phẩm quả vải thiều tươi đủ tiêu chuẩn xuất khẩu tại nhà máy của một công ty ở Bắc Giang. (Ảnh: TTXVN)
"Việc vận chuyển và thời gian vận chuyển qua bên Mỹ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu muốn đi nhanh, thì chi phí vận chuyển cao, khi hàng qua tới đây không còn tươi nữa vì trong quá trình vận chuyển, sản phẩm được chiếu xạ, ảnh hưởng đến việc giữ độ tươi lâu, cũng như chưa chú trọng đến mẫu mã bao bì", bà Jolie Nguyễn, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu LNS, Houston, Hoa Kỳ, cho biết.
Ngoài ra, vải thiều Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu là xuất tươi và phải cạnh tranh với vải từ Trung Quốc, thậm chí vải nội địa của Mỹ.
"Trái vải Việt Nam vận chuyển sang Mỹ theo đường hàng không phải bán với giá đến 17 - 18 USD/pound, có lúc tới 20 USD/pound nên mình rất khó cạnh tranh với họ về trái vải tươi. Theo tôi nghĩ, chắc là chỉ có một con đường là mình cạnh tranh với họ về trái vải chế biến. Trái vải chế biến hầu như bên này chưa có", ông Tony Trần, Giám đốc Global Communication Services Enterprise, bang New Jersey, Mỹ, cho hay.
"Bắc Giang đã làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị hỗ trợ Bắc Giang trong việc chế biến và bảo quản sản phẩm vải thiều lưu giữ được trong thời gian dài hơn, để giải quyết được khó khăn trong thời gian vừa qua khi vận chuyển bằng đường biển mất gần 1 tháng, ảnh hưởng đến chất lượng vải", ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, nói.
Để định vị được thương hiệu vải Việt Nam ở thị trường Mỹ, chất lượng luôn là yếu tố đặt lên hàng đầu.
"Phải đảm bảo nghiêm túc các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, xuất xứ, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, nhập khẩu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York, Mỹ, nhận định.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ mở gian hàng vải thiều trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế.
Xúc tiến xuất khẩu vải thiều sang Mỹ VTV.vn - Dự kiến, sản lượng vải toàn tỉnh Bắc Giang năm 2022 đạt trên 160.000 tấn, trong đó có 218 ha trồng vải xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia, EU.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!