Với nhiều thay đổi về cơ chế chính sách để đáp ứng chuẩn nâng hạng thị trường, chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn ngoại và phát triển hơn nữa về cả quy mô và thanh khoản, nhưng bước vào năm 2025, khối ngoại chưa mặn mà mua ròng cổ phiếu, thanh khoản xuống mức thấp nhất 2 năm.
Con số ấn tượng về thị trường chứng khoán năm vừa qua là số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng khoảng 2 triệu, đưa tổng số tài khoản chứng khoán nước ta lên gần 9,3 triệu tài khoản.
Theo mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán được đề ra, chứng khoán Việt Nam đã đạt mục tiêu 9 triệu tài khoản trước thời hạn 2025 và hướng tới 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Tuy nhiên giải thích tại sao số tài khoản mở mới rất nhiều nhưng thanh khoản xuống mức thấp nhiều năm, dòng tiền ảm đạm. Khảo sát từ chương trình Việt Nam và các chỉ số, nhiều người cho biết bản thân họ đang có 3-4 tài khoản 1 lúc, sau vụ việc công ty chứng khoán VND bị hack tài khoản, có người đã mở thêm 3 tài khoản chứng khoán khác để chia tiền ra cho an tâm.
Chưa có 1 thống kê chính thức, tuy nhiên nhiều thành viên thị trường lâu năm cho biết, thực tế lượng tài khoản active tức là tài khoản có hoạt động ở trên thị trường hiện nay chỉ vào khoảng 1/2 hay thậm chí 1/3 của con số 9,3 triệu. Tức là chỉ có 3-4 triệu tài khoản thực sự tham gia vào thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán cần các mục tiêu phát triển bền vững 1 cách rõ ràng
Năm 2024 chứng kiến chất lượng của hoạt động đầu tư lên ngôi, với nhiều quỹ có hiệu suất vượt trội từ 25-35% so với thị trường chung cũng như các kênh đầu tư truyền thống.
2024 chỉ số chứng khoán chính vẫn tăng khoảng 12% nhưng với biến động đi ngang lên xuống trong biên độ hẹp khiến việc tìm kiếm lợi nhuận của đại bộ phận nhà đầu tư không dễ dàng, từ đó tâm lý "đổi ngựa giữa dòng" cũng trở nên phổ biến.
"Công ty chứng khoán nào cũng có tài khoản, trải nghiệm thời gian đó thì mình là nhà đầu tư và mình đi tìm cơ hội, tìm chỗ cung cấp dịch vụ tốt nên việc mình không hài lòng công ty chứng khoán này, mở tài khoản bên khác, không hài lòng môi giới này mở môi giới khác là bình thường nên tài khoản tăng đôi khi nó cũng là ảo", ông Vũ Quang Huy - Trưởng phòng Kinh doanh 12, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank cho hay.
Vậy nên việc quan trọng hơn việc thị trường chứng khoán Việt Nam có bao nhiêu tài khoản đó là chất lượng của từng tài khoản, nhận thức của các nhà đầu tư tham gia thị trường, vai trò của các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp để giúp nhà đầu tư cá nhân có cái nhìn thị trường đầu tư 1 cách dài hạn bền vững với mức sinh lời hợp lý, thay vì mang 1 tâm lý thiếu bài bản: "chơi" chứng khoán, "đánh" chứng khoán để làm giàu nhanh.
Ông Lý Anh Tuấn - Tổng giám đốc, Công ty Phân phối chứng chỉ quỹ Investing Pro cho hay: "Nâng cao nhận thức cho nhà đầu tư, giúp họ tham gia vào các lĩnh vực đầu tư chuyên nghiệp, chẳng hạn như đầu tư vào chứng chỉ quỹ mở. Ngoài ra thị trường quỹ hiện tại đang gặp một số vấn đề về chính sách, chưa được hỗ trợ như thị trường chứng khoán".
Trong khi chất lượng của hoạt động đầu cơ suy giảm, năm 2024 chứng kiến chất lượng của hoạt động đầu tư lên ngôi, với nhiều quỹ có hiệu suất vượt trội từ 25-35% so với thị trường chung cũng như các kênh đầu tư truyền thống. Tuy nhiên mô hình đầu tư chứng chỉ quỹ mở chuyên nghiệp mới chỉ đang đón nhận khoảng 270.000 tài khoản thực sự có giao dịch.
Động thái bán ròng khoảng 3,7 tỷ USD của vốn ngoại năm vừa qua cũng cần khiến thị trường chứng khoán chúng ta nhìn lại về việc tại sao họ đang không mặn mà với triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam 2025.
Cả năm 2024 theo thống kê của Deloitte, Đông Nam Á có khoảng 125 thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Và Việt Nam đóng góp 1 thương vụ duy nhất, thu hút 37 triệu USD.
Sàn chứng khoán Bursa Malaysia, 2024 được xem là năm có thành tích IPO tốt nhất trong 6 năm qua, với 46 đợt IPO và huy động được 1,5 tỉ USD tính đến tháng 10 nhờ sự cải cách mạnh mẽ và sự chuyển hướng có chủ đích sang các đợt IPO nhỏ hơn trong nước.
Sàn ACE Market của Bursa Malaysia được thiết kế riêng cho cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là "nam châm" thu hút các startup công nghệ và tăng trưởng với 39 đợt niêm yết năm vừa qua.
Thị trường chứng khoán thiếu khát vọng niêm yết
Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã chỉ đạo các sở giao dịch tăng cường việc rút ngắn thời gian như gắn IPO với niêm yết thúc đẩy các doanh nghiệp cổ phần hóa lên sàn để tạo thêm hàng hóa tốt cho các nhà đầu.
Dragon Capital kỳ vọng làn sóng IPO tiếp theo của Việt Nam có thể trở lại trong 3 năm tới, ước tính khoảng 47,5 tỷ USD có thể "đổ bộ" vào thị trường chứng khoán nếu các tên tuổi lớn này chịu lên sàn niêm yết như Thaco Auto, Bách Hoá Xanh, Golden Gate và Highlands Coffee TechcomSecurities hay Viettel IDC, VNPay, Vinpearl và nhiều cái tên khác.
Nhưng giữa kỳ vọng và thực tế vẫn đang thiếu 2 chữ khát vọng của chính các doanh nghiệp. Chia sẻ từ 1 đại diện doanh nghiệp niêm yết đã lâu năm cho rằng, làm tử tế và đủ khát vọng. Thị trường chứng khoán sẽ là nơi huy động vốn rất rẻ và dồi dào cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Với Luật chứng khoán sửa đổi được thông qua, Nghị định 155 cũng đang được xây dựng theo hướng hỗ trợ tối đa cho hoạt động niêm yết của các doanh nghiệp, đồng thời cũng là tăng cường nguồn cung hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng khoán
Bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết: "Đối với việc để tăng cường thêm các hàng hóa chất lượng trên thị trường, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã chỉ đạo các sở giao dịch tăng cường việc rút ngắn thời gian như gắn IPO với niêm yết thúc đẩy các doanh nghiệp cổ phần hóa lên sàn, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt, lớn để có những đợt đấu giá, phát hành chứng khoán ra công chúng để tạo thêm hàng hóa tốt cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán".
"Kênh chứng khoán vẫn là kênh huy động vốn nên các doanh nghiệp muốn phát triển, huy động vốn trên thị trường chứng khoán họ buộc phải niêm yết, muốn phát triển mạnh và đầu tư cho các dự án lớn. Do vậy năm 2025 tôi nghĩ là năm bản lề cho các doanh nghiệp lên IPO, vì doanh nghiệp cũng đang rất chờ thị trường khởi sắc lên, kinh tế vĩ mô chuyển biến tốt", ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán VPS cho hay.
Từ 2 doanh nghiệp nhỏ của thời kỳ đầu, hiện sàn HOSE hàng trăm doanh nghiệp niêm yết và có 40 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó có 2 ngân hàng vốn hóa trên 10 tỷ USD. Các doanh nghiệp và tổ chức tài chính này đều là gương mặt đại diện cho nền kinh tế, là địa chỉ tin cậy cho dòng vốn đầu tư đồng hành.
Việt Nam có rất nhiều start up tiềm năng, những doanh nghiệp có tâm có tầm đang cần lực đẩy từ thị trường vốn để vươn mình trong kỷ nguyên mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!