Ớt chuông, mì ăn liền, sầu riêng, đậu bắp, thanh long bị EU đưa vào diện kiểm soát

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 29/01/2024 11:00 GMT+7

VTV.vn - Ớt, mì ăn liền, sầu riêng, đậu bắp và thanh long vừa được EU đưa vào mặt hàng thuộc diện kiểm soát khi xuất khẩu vào thị trường này.

Thêm sầu riêng vào diện kiểm soát

Đây là lần đầu tiên sầu riêng Việt Nam nằm trong danh sách các mặt hàng giám sát tại cửa khẩu của EU với tần suất 10%. Do 6 tháng cuối năm 2023, đã có 3 lô hàng sầu riêng của Việt Nam bị cảnh báo dư thừa chất bảo vệ thực vật.

Nói về sự việc này, một đại diện doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng sang châu Âu cho biết, giá trị lô hàng tuy nhỏ, không gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp nhưng cơ hội tại thị trường châu Âu bị mất đi.

Quy định giám sát như vậy được coi là bình thường trong thương mại nông sản, không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu. Nhưng cũng dẫn đến những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp.

"Tăng tần suất kiểm tra về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng đến thời gian sẽ tăng lên trong quá trình thủ tục thông quan xuất khẩu đối với các doanh nghiệp, đi kèm với đó là các chi phí sẽ tăng lên rất nhiều. Việc xuất khẩu về chất lượng ảnh hưởng thì nó có thể ảnh hưởng đến quả sầu riêng Việt Nam trên thị trường chung quốc tế. Nhiều doanh nghiệp muốn xây dựng lại niềm tin với người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu thì cũng phải đầu tư nhiều hơn nữa" - ông Lê Anh Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk chia sẻ.

So với thông báo 6 tháng trước, 4 mặt hàng là ớt, mì ăn liền, đậu bắp, thanh long vẫn giữ nguyên tần suất kiểm tra. Việc bị đưa thêm mặt hàng vào danh sách kiểm soát cũng là cảnh báo để nông dân và doanh nghiệp phải làm tốt hơn, chặt chẽ hơn trong đáp ứng tiêu chuẩn an toàn nông sản.

Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Trong quá trình canh tác, chúng ta phải lưu ý nắm chắc những hoạt chất mà EU không cho phép sử dụng. Còn những hoạt chất EU hoặc Việt Nam cho phép sử dụng, chúng ta phải tuân thủ "4 đúng" trong quá trình canh tác, đảm bảo thời gian cách ly để đến lúc thu hoạch không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật".

Vào được thị trường đã khó nhưng giữ được thị trường còn khó hơn. Nếu Việt Nam không kiểm soát chặt các tiêu chuẩn an toàn nông sản thì nguy cơ bị nâng mức độ kiểm soát là rất rõ rệt.

Ớt chuông, mì ăn liền, sầu riêng, đậu bắp, thanh long bị EU đưa vào diện kiểm soát - Ảnh 1.

Đây là lần đầu tiên sầu riêng Việt Nam nằm trong danh sách các mặt hàng giám sát tại cửa khẩu của EU - Ảnh: VTV Online

Gỡ khó cho nông sản xuất khẩu

Theo ông Trần Văn Công - Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại khu vực Châu Âu, EU áp dụng các biện pháp kiểm soát tại biên giới và cũng đưa ra các biện pháp về tăng cường, bổ sung, khẩn cấp, kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm có nguồn gốc từ các nước thứ ba xuất khẩu vào EU. Quy định này được tiến hành rà soát 6 tháng một lần.

Xuất khẩu sầu riêng tươi và ướp lạnh của Việt Nam được đưa vào diện tăng cường kiểm soát. Các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong thời gian vừa qua chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa chú trọng đến việc liên kết, hình thành các vùng trồng đạt chuẩn để đảm bảo tốt cũng như dỡ được cảnh báo. Trong thời gian tới, các nông dân và các nhà vườn trang trại cũng như các doanh nghiệp cần tập trung chú trọng vào việc hình thành vùng nguyên liệu cũng như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nắm trong danh mục mà EU cho phép.

Nếu như các lô hàng của Việt Nam còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, EU sẽ đưa ra biện pháp, có thể tăng tần suất kiểm soát lên 20% hoặc 50% hoặc yêu cầu áp dụng bắt buộc kèm theo các lô hàng giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Đây là cảnh báo mà các doanh nghiệp cần tập trung trong thời gian tới.

Năm 2023, trong hơn 4.600 cảnh báo được Liên minh châu Âu EU phát đi về an toàn nông sản nhập khẩu, Việt Nam chỉ có 67 cảnh báo từ EU, chiếm 1,4% và giảm 5 cảnh báo so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, Việt Nam cũng thành công đưa nhiều loại gia vị như rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây ra khỏi danh mục kiểm soát.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lên kế hoạch chủ động đề xuất với EU giảm tần suất kiểm soát với một số mặt hàng dựa trên kết quả kiểm soát dư lượng trong nước, tháo gỡ khó khăn và mở đường nông sản Việt và chinh phục thị trường này.

Mở rộng kênh tiêu thụ nông sản Việt Nam tại Trung Quốc Mở rộng kênh tiêu thụ nông sản Việt Nam tại Trung Quốc Xu hướng tiêu dùng châu Âu đang thuận cho nông sản Việt Nam Xu hướng tiêu dùng châu Âu đang thuận cho nông sản Việt Nam Nông sản Việt Nam được 'xách tay' tới với doanh nghiệp châu Âu Nông sản Việt Nam được "xách tay" tới với doanh nghiệp châu Âu

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước