Những chân trời tăng trưởng mới

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 30/06/2024 16:00 GMT+7

VTV.vn - Khám phá những động lực mới, tìm ra con đường mới cho tăng trưởng kinh tế là thông điệp của Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn kinh tế thế giới.

Hướng đến những chân trời mới, tăng trưởng mới

Một trong các sự kiện thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo, các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới tuần qua là Hội nghị thường niên lần thứ 15 của các nhà tiên phong của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tại Đại Liên, Trung Quốc từ ngày 25-27/6.

Với chủ đề "Những chân trời tăng trưởng mới", sự kiện quy tụ khoảng 1.600 nhân vật hàng đầu trong khu vực công và tư, từ gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ để trao đổi, tìm kiếm những động lực mới và chỉ ra những cách thức đổi mới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Khám phá những động lực mới, tìm ra con đường mới cho tăng trưởng kinh tế là thông điệp xuyên suốt của Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa diễn ra tại Đại Liên, Trung Quốc. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh, trước các thách thức to lớn từ cú sốc sau đại dịch, lạm phát…, các quốc gia cần tăng cường tìm kiếm lợi ích chung, thúc đẩy hợp tác tạo động lực lâu dài cho kinh tế thế giới và mở ra một nền tảng mới cho sự phát triển.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết: "Chúng ta nên giữ quan điểm cởi mở, hợp tác, bác bỏ đối đầu, phản đối việc tách rời, duy trì sự ổn định và thông suốt của chuỗi công nghiệp và cung ứng, thúc đẩy tự do hóa hóa thương mại và đầu tư".

Các nhà lãnh đạo, diễn giả tại Hội nghị cũng tập trung thảo luận về thúc đẩy chuyển đổi xanh, xây dựng các nền tảng tăng trưởng xanh cho tương lai. Hội nghị cũng đã công bố 10 công nghệ mới giải quyết thách thức toàn cầu, tập trung vào ứng dụng trong các lĩnh vực như y tế, thông tin, cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững.

Ông Chen Liming - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Trung Quốc chia sẻ: "Bất chấp những thách thức phức tạp mà thế giới phải đối mặt như biến đổi khí hậu, xung đột khu vực và chuyển đổi năng lượng; sự phát triển nhanh chóng của công nghệ như trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, công nghệ di truyền và khoa học vật liệu, mang đến cho chúng ta những cơ hội mới để vượt qua những khó khăn này và đạt được sự phát triển bền vững".

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đóng góp thảo luận vào các các vấn đề toàn cầu; chia sẻ nhận định sâu sắc về 5 đặc điểm nổi bật của kinh tế thế giới, 3 yếu tố chủ đạo tác động và 3 lĩnh vực tiên phong định hình thế giới tương lai; đồng thời nhấn mạnh sự thành công của Việt Nam trong gần 40 năm qua gắn liền với những từ khóa then chốt: đổi mới, sáng tạo và hội nhập.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định: "Trung Quốc có câu ngạn ngữ "Độc mộc bất thành lâm". Chúng tôi có tư tưởng của Hồ Chí Minh: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công". Vì một thế giới tốt đẹp, công bằng, bình đẳng, phát triển hài hoà, bền vững, chúng ta hãy đoàn kết, đề cao chủ nghĩa đa phương, quyền con người, cùng nhau hướng đến "Những chân trời tăng trưởng mới", những chân trời phát triển mới, vì sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của thế giới, vì cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp của mọi người dân, của cả nhân loại. Chúng ta thực hiện "3 cùng": Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển, với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bên cùng xây dựng, củng cố lòng tin, đề cao đối thoại, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, hợp tác và phát triển, giải quyết hiệu quả các vấn đề dựa trên luật lệ và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan; không chính trị hóa và phân biệt đối xử với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mang tính toàn cầu.

Những chân trời tăng trưởng mới - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn kinh tế thế giới

Việt Nam tiếp tục có đóng góp tích cực đối với các vấn đề quốc tế

Đánh giá về kết quả của Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của diễn đàn kinh tế thế giới tại Đại Liên vừa qua, PGS.TS. Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: "Thời điểm này diễn ra Hội nghị thường niên về diễn đàn kinh tế thế giới rất quan trọng. Bởi vì thế giới vừa trải qua một cuộc đại dịch, các nước đang bộc lộ quá trình phục hồi của mình. Rất nhiều vấn đề phát sinh mới trên góc độ toàn cầu, muốn giải quyết được đòi hỏi các bên phải tham gia, phải thiện chí. Đó là sự gia tăng căng thẳng địa chính trị giữa các quốc gia trên thế giới, chiến tranh giữa Nga – Ukraine, chiến tranh giữa Israel và Hamas, sự căng thẳng giữa Nga và phương Tây và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung… Có rất nhiều vấn đề địa chính trị đã phát sinh. Và từ đó kéo theo sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và làm hạn chế dòng chảy thương mại và đầu tư trên toàn thế giới.

Vấn đề thứ hai cũng rất quan trọng là sự bất ổn của giá năng lượng cũng như giá lương thực trên toàn thế giới cũng làm chậm lại quá trình phục hồi toàn cầu, sự thiếu phối hợp trong các chính sách kinh tế, đặc biệt là hiện tượng biến đổi khí hậu đang gây những chi phí rất lớn cho nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Do đó, Hội nghị thường niên về kinh tế diễn đàn kinh tế thế giới lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thông điệp của Hội nghị cũng rất quan trọng, chúng ta nhấn mạnh đến tương lai của tăng trưởng, các nước đi tìm mô hình tăng trưởng mới, khác xa mô hình tăng trưởng truyền thống thường chỉ nhấn mạnh vào tăng trưởng kinh tế. Giờ đây, mô hình tăng trưởng mới mà Diễn đàn lần này nhấn mạnh vào quan tâm đến đổi mới, sáng tạo, đó là những ứng dụng công nghệ mới trong quá trình sản xuất, cũng như trong lĩnh vực y tế, giáo dục… Tiếp đó là nhấn mạnh tính bao trùm, quan tâm đến bất bình đẳng xã hội, khoảng cách giàu nghèo giữa các nước nhỏ và nước lớn, sự tập trung hướng tới nhiều hơn đến các nước nhỏ. Thứ ba, nhấn mạnh đến vấn đề phát triển bền vững, đề cao các hoạt động thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai".

Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của diễn đàn Kinh tế thế giới tại Đại Liên đã cho thấy nỗ lực, vai trò quan trọng của Trung Quốc trong thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

Với quy mô tổ chức, cũng như số lượng đại biểu tham dự lớn nhất từ trước đến nay, Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn kinh tế thế giới (hay còn gọi là "diễn đàn Davos mùa hè") được đánh giá là đã diễn ra thành công và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với các đại biểu quốc tế. Qua 15 lần tổ chức, diễn đàn này không chỉ là dịp để Trung Quốc thể hiện hình ảnh, uy tín quốc gia, mà còn là một cầu nối quan trọng cho hợp tác, kết nối kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc với thế giới.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và các rào cản thương mại có xu hướng gia tăng như hiện nay, diễn đàn là cơ hội quan trọng để Trung Quốc gửi đi tín hiệu về hợp tác, mở cửa, qua đó tiếp tục mở rộng "vòng tròn bạn bè", cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy toàn cầu hóa phát triển lành mạnh. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Trung Quốc thể hiện vai trò dẫn dắt, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nước trong các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh hay năng lượng tái tạo - những lĩnh vực đang được Trung Quốc hết sức chú trọng thúc đẩy trong thời gian gần đây.

Việt Nam tiếp tục có đóng góp tích cực đối với các vấn đề quốc tế và tìm giải pháp để giải quyết các thách thức lớn của thế giới.

Nói về vai trò của Việt Nam tại diễn đàn lần này, PGS.TS. Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết thêm: "Tôi nghĩ, Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy, sự có mặt của Việt Nam và với sự xuất hiện của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong các vấn đề hợp tác quốc tế, giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay. Đó là hình ảnh rất quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam là một nước có thu nhập trung bình thấp nhưng Việt Nam vẫn sẵn sàng cam kết chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn. Do đó, tôi nghĩ đây là một sự khích lệ rất lớn đối với các nước thu nhập trung bình, giúp thu hút các nước có thu nhập trung bình tương tự như Việt Nam tham gia và giải quyết vấn đề toàn cầu chung. Hội nghị lần này lấy châu Á làm trung tâm, trong đó có Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, đây là một hoạt động rất thiết thực và có ý nghĩa đối với Việt Nam.

Những chân trời tăng trưởng mới - Ảnh 2.

Đối với vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng rất lớn

Các thách thức với kinh tế thế giới

Kinh tế thế giới đang phục hồi và có tác động tích cực đối với kinh tế các nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, các định chế tài chính quốc tế cũng dự báo các rào cản, thách thức phía trước vẫn còn rất nhiều, trong đó có các tác động từ xung đột địa chính trị, nguy cơ phân mảnh thương mại, tác động từ biến đổi khí hậu.

Trong báo cáo rủi ro toàn cầu do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, các thách thức về môi trường cùng sự phân cực về địa chính trị, phân mảnh về kinh tế là những thách thức hàng đầu với kinh tế thế giới trong năm 2024. Ông Mirek Dusek - Giám đốc điều hành, Diễn đàn Kinh tế thế giới nêu ý kiến: "Chúng ta đang trong một quá trình chuyển đổi lớn về mặt mô hình kinh tế. Đó là các tác động từ vấn đề địa chính trị, môi trường cạnh tranh hơn về kinh tế".

Phân mảnh kinh tế, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, các tuyến đường thương mại đang được vẽ lại, hệ thống tài chính toàn cầu chia rẽ với nhiều rào cản thương mại được dựng lên cùng các cuộc chiến thương mại. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, trong năm ngoái các quốc gia đã áp đặt 3.000 hạn chế thương mại, nhiều hơn gấp ba lần so với năm 2019. Ngân hàng Thế giới nhận định, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2024 được coi là giai đoạn 5 năm chậm nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 30 năm qua.

Sự tách rời thương mại và công nghệ đang tác động sâu sắc đến doanh nghiệp, người tiêu dùng khi giá cả tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Sự phân mảnh có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu tới 7% trong dài hạn, với những tác động trong các lĩnh vực từ dòng chảy thương mại và đầu tư đến chi phí vốn.

Ông Fred Hu - Nhà sáng lập, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn Primavera Capital nhận định: "Hệ thống tài chính hiện đang ở ngã ba đường. Hệ thống tài chính đang trở nên phân mảnh hơn. Điều này dẫn đến các tác động như chi phí vốn cao, phân bổ vốn kém hiệu quả hơn, ít việc làm hơn. Giảm nghèo ở Nam bán cầu và đổi mới hoặc thậm chí là chuyển đổi năng lượng, đòi hỏi đầu tư lớn hơn".

Trong ấn bản mới nhất của Báo cáo Triển vọng các nhà kinh tế trưởng Diễn đàn kinh tế thế giới, cảnh báo, dù kinh tế toàn cầu ghi nhận những triển vọng lạc quan hơn nhưng vẫn còn nhiều điều không chắc chắc, có thể tạo ra các biến động về kinh tế trong năm nay.

Nói về thách thức lớn nhất với kinh tế thế giới thời gian tới, PGS.TS. Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: "Có một số thách thức lớn đối với kinh tế thế giới. Thứ nhất là căng thẳng địa chính trị giữa các quốc gia lớn trên thế giới, khiến cho dòng vốn vào các quốc gia liên quan bị giảm, dòng vốn đầu tư vào thương mại bị đứt gẫy. Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp vào các quốc gia trực tiếp liên quan mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Dòng vốn này khi bị đứt gẫy khiến cho các quốc gia nhỏ khó tiếp cận, thiếu nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng cũng như tạo việc làm, làm chậm quá trình phục hồi kinh tế. Thứ hai, căng thẳng địa chính trị khiến cho các chính sách bảo hộ thương mại dựng lên, khiến cho dòng vốn sử dụng kém hiệu quả hơn. Trước đây, các quốc gia khi tham gia vào quá trình thương mại quốc tế đề cao vai trò của chuyên môn hóa, làm giảm chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, hiện nay, dòng vốn cho xu hướng quay trở về các nước lớn. Do vậy, hiệu quả sử dụng vốn kém đi rất nhiều. Thách thức thứ hai tôi nghĩ là sự thiếu phối hợp trong chính sách kinh tế của các quốc gia lớn trên thế giới. Hiện nay, khi các rào cản thương mại được dựng lên, các hàng rào thuế quan được dựng lên làm tăng giá cả hàng hóa các nước, hiệu quả chi phí sử dụng vốn kém, làm tăng chi phí sản xuất. Từ đó khiến cho giá cả hàng hóa tăng cao trên thế giới. Các nước lớn dùng các chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lại quá trình lạm phát tăng cao, làm ảnh hưởng đến các nước nhỏ như Việt Nam. Bởi vì các nước nhỏ sẽ gặp khó khăn trong vấn đề ổn định tỷ giá, hạ lãi suất trong nước để thúc đẩy quá trình phục hồi của nền kinh tế. Thách thức thứ ba là quá trình biến đổi khí hậu, chi phí về biến đổi khí hậu ngày càng tăng cao và gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế chịu sự ảnh hưởng trực tiếp như Việt Nam".

"ASEAN hay Đông Á nói chung, Việt Nam nói riêng đang chịu tất cả tác động của quá trình này. Quá trình bảo hộ thương mại khiến cho dòng vốn bị đứt gẫy, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy một phần. Do vậy, khả năng tiếp cận dòng vốn quốc tế của Việt Nam cũng như các nước này bị giảm sút rất nhiều. Sự thiếu phối hợp trong các chính sách kinh tế khiến cho sự phục hồi của các nước nhỏ như Việt Nam mà có hướng ra xuất khẩu chịu ảnh hưởng rất lớn. Ngay cả các nước lớn ở Đông Á, châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản đều chịu tác động này. Đó là sự mất giá của đồng nội tệ rất nhiều. Thứ hai là cản trở sự thực thi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong nước trong quá trình phục hồi. Đặc biệt, trong quá trình phục hồi hiện nay, những nước nhỏ vướng phải vay nợ trên thế giới đang phải chịu chi phí vay nợ rất cao trên thị trường quốc tế khi lãi suất ở các nước lớn như Mỹ đang neo ở mức cao, khiến cho chi phí vay nợ của các nước này rất lớn. Do vậy, càng làm chậm quá trình phục hồi.

Đối với vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng rất lớn. Theo ước tính của World Bank, hiện nay, hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu có thể làm giảm GDP của Việt Nam khoảng 32% và nếu như không có hành động mạnh mẽ thì có thể lên tới 14-15% vào năm 2050. Việt Nam là nước nông nghiệp, do vậy chịu ảnh hưởng rất nhiều và hiện tượng nước biển dâng cũng ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, sinh kế của người dân cũng như doanh nghiệp ở các tỉnh ven biển. Hiện tượng biến đổi thời tiết cực đoan thất thường ảnh hưởng rất lớn tới các ngành kinh tế liên quan đến lĩnh vực du lịch của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, tất cả các thách thức trên đang gây khó khăn và làm chậm quá trình phục hồi của Việt Nam cũng như tất cả các nước trong nước trong khu vực" – ông Thế Anh nói thêm về những tác động của các thách thức.

Những chân trời tăng trưởng mới - Ảnh 3.

Kinh tế toàn cầu cũng đang trong giai đoạn sẵn sàng cho sự ổn định trong tương lai dài hạn

Thúc đẩy toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại

Có nhận định cho rằng, dưới tác động của các yếu tố như canh trạnh địa chính trị, phân mảnh địa kinh tế, hiện nay, toàn cầu hóa kinh tế đã gặp phải một số trở ngại và tốc độ dường như đã chậm lại. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa chưa kết thúc, mà chỉ đang điều chỉnh phương hướng. Không giống như toàn cầu hóa trước đây do Mỹ thúc đẩy và đặt ra các quy tắc, các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ đang trở thành động lực chính thúc đẩy toàn cầu hóa kiểu mới. Hợp tác, tránh tách rời cũng là thông điệp được các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tại Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn kinh tế thế giới tại Đại Liên, Trung Quốc.

Trong phát biểu tại Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn Kinh tế thế giới Đại Liên, Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh, đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, những quốc gia ưu tiên tối đa hóa lợi ích của mình mà không tính đến lợi ích của người khác, thậm chí quay lưng bằng cách thúc đẩy việc tách rời và dựng lên các rào cản, sẽ kéo thế giới vào một vòng luẩn quẩn cạnh tranh.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhận định: "Trong bối cảnh hiện nay, lựa chọn đúng đắn là tiếp cận các vấn đề phát triển với tầm nhìn xa hơn, tư duy rộng hơn, cùng chung tay làm "miếng bánh kinh tế" lớn hơn, đồng thời theo đuổi lợi ích chính đáng của mình. Đây là cách chúng ta có thể duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới và mở ra chân trời mới cho sự phát triển của chính chúng ta".

Các nhà lãnh đạo tại Diễn đàn kinh tế thế giới tiếp tục nhấn mạnh nhu cầu hợp tác, duy trì xu hướng toàn cầu hóa để ứng phó các thách thức như phân mảnh thương mại, tách rời chuỗi cung ứng,

Ông Chen Liming - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới Trung Quốc đưa ra ý kiến: "Cộng đồng quốc tế hiện nay đang trải qua sự hỗn loạn, từ xung đột thương mại đến các cuộc xung đột quốc tế lớn. Tuy nhiên, lịch sử cho chúng ta biết rằng bạo lực, lệnh trừng phạt thương mại hoặc chiến tranh không thể giải quyết được vấn đề một cách cơ bản. Giải pháp cho vấn đề vẫn cần phải thông qua đối thoại và đàm phán. Cộng đồng quốc tế cần quay trở lại tìm kiếm một con đường chung hướng tới tương lai thông qua giao tiếp và hiểu biết".

Các chuyên gia nhận định, bất chấp những câu chuyện bàn luận về sự sụp đổ của toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế thông qua thương mại xuyên biên giới đã cho thấy khả năng chống chọi tốt trước các cuộc chiến tranh, nạn đói và đại dịch. Trong hai năm qua, thương mại thế giới dù có suy yếu nhưng phần lớn vẫn phù hợp với xu hướng lịch sử.

Trong khi đó, quá trình tái toàn cầu hóa đang tiếp tục diễn ra với việc gia tăng hợp tác kinh tế của nhiều nước và các cơ chế hợp tác đa phương. Quá trình này có thể mất nhiều năm nhưng cũng sẽ đem lại cơ hội phát triển cho nhiều nền kinh tế, chứ không chỉ tập trung tại một quốc gia như trước.

Đánh giá về thông điệp tăng cường hợp tác, toàn cầu hóa kiểu mới tại Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn kinh tế thế giới tại Đại Liên, Trung Quốc, PGS.TS. Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: "Thông điệp hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu là thông điệp phù hợp với xu hướng hiện nay. Nó nhấn mạnh đến tăng trưởng xanh, tính bền vững, tính bao trùm, quan tâm hơn tới lợi ích của các nước nhỏ trong quá trình toàn cầu hóa. Tăng cường hợp tác, giải quyết các vấn đề bất đồng toàn cầu, tất cả vấn đề này không thể giải quyết mà thiếu sự tham gia của một bên nào đó mà cần có sự hợp tác của tất cả các bên mới giải quyết được".

"Việt Nam không thể tách rời xu hướng chung của thế giới. Nhân Diễn đàn kinh tế toàn cầu lần này, đây là cơ hội của Việt Nam, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp cũng như người dân về vấn đề toàn cầu hóa, về sự hợp tác trong biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh của nền kinh tế. Việt Nam cần không chỉ dừng ở việc thảo luận, ở các thông điệp đưa ra, mà chúng ta cần biến các thảo luận đó thành hành động cụ thể bằng việc sửa đổi các quy định, chính sách trong nước để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế, hướng tới một nền kinh tế bền vững hơn. Như Việt Nam là một nước phụ thuộc rất nhiều vào sản xuất, chế biến, chế tạo, đang sử dụng rất nhiều, tiêu tốn năng lượng. Do vậy, các công nghệ, ứng dụng trong việc phát triển năng lượng tái tạo rất quan trọng. Hay sử dụng các nguyên vật liệu mang tính sinh học, thân thiện với môi trường cũng rất quan trọng đối với Việt Nam. Đặc biệt, với người tiêu dùng, chúng ta nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, thay vì các vật liệu truyền thống, như thay vì các nguyên vật liệu bằng nhựa chuyển sang bằng gỗ công nghiệp hay bằng tre. Đó những xu hướng tất yếu của nền kinh tế.

Nếu như Việt Nam ban hành các bộ quy định, các bộ chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia như thông qua ưu đãi tín dụng, chính sách thuế liên quan thì có thể khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu rộng hơn vào các lĩnh vực mà mình quan tâm hiện nay. Từ đó mở ra cơ hội cho Việt Nam tiếp cận các nguồn quỹ, các dòng vốn đầu tư toàn cầu liên quan tới năng lượng tái tạo hay chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ mới trong nền kinh tế. Đây cũng là cơ hội của Việt Nam tiếp tục thực hiện đổi mới sáng tạo và chuyển đổi kỹ năng cho người lao động phù hợp với những công nghệ mới của nền kinh tế. Và cuối cùng, Việt Nam cần phải tiếp tục tham gia vào các Hiệp định thỏa thuận thương mại toàn cầu với tất cả các bên để tranh thủ lợi thế của Việt Nam trong quá trình toàn cầu hóa" - PGS.TS. Phạm Thế Anh chia sẻ.

Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn kinh tế thế giới đã kết thúc. Kinh tế toàn cầu cũng đang trong giai đoạn sẵn sàng cho sự ổn định trong tương lai dài hạn nhưng tốc độ tăng trưởng được dự báo vẫn sẽ thấp hơn. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo, các chuyên gia kinh tế đều đồng thuận nhấn mạnh, hợp tác, đổi mới toàn cầu là chìa khóa để bảo vệ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong ứng phó các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, các xung đột địa chính trị đang ngày càng gia tăng. Đây cũng chính là những thông điệp mà Việt Nam muốn truyền tải và nỗ lực thúc đẩy, vì tăng trưởng và phát triển bền vững trên toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước