Sau hơn 6 năm triển khai, hoạt động mua bán và xử lý nợ đã có nhiều chuyển biến, đóng góp quan trọng vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và cơ cấu lại nền kinh tế.
Năm qua, ngành ngân hàng khá rốt ráo xử lý nợ xấu. Hơn 16.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý, thu hồi qua VAMC, tăng 38% so với năm 2022. Hơn 13.000 tỷ đồng nợ được mua lại bằng trái phiếu đặc biệt và mua theo giá trị thị trường. Đặc biệt, tỷ lệ mua nợ theo giá trị thị trường tăng tới 70% cho thấy những chuyển biến trong việc tạo lập thị trường mua bán nợ.
Tuy nhiên theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu nội bảng tính đến cuối năm 2023 đã tăng lên 4,95%, cao hơn gấp đôi so với mức 2% vào cuối năm 2022. Khó khăn của nền kinh tế kéo theo những khoản nợ khó đòi.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nguyên Chủ tịch Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC, nợ xấu quay trở lại có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là phần lớn. Bởi dịch bệnh COVID-19 kéo dài 2 năm, sau đó ảnh hưởng đến kinh tế, mặc dù đã được Ngân hàng Nhà nước cơ cấu nợ. Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách cơ cấu nợ, giãn nợ, không chuyển nợ xấu đã hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng vẫn tiềm ẩn.
Đẩy mạnh thu hồi nợ, xử lý nợ xấu sẽ góp phần cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Vấn đề là xử lý nợ xấu như thế nào trong bối cảnh doanh nghiệp đang khó khăn. Vì vậy, các ngân hàng đang đối diện với thách thức lớn, một bên phải tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp để có khả năng phục hồi; một bên doanh nghiệp không có khả năng phục hồi thì xử lý khoản nợ đó bằng biện pháp đề nghị phát mại tài sản đảm bảo, thậm chí thu giữ tài sản đảm bảo để phát mại hoặc yêu cầu các doanh nghiệp tập trung các nguồn lực khác để trả nợ.
Vậy tại sao phải ra Nghị quyết 42, phải có đặc quyền riêng cho ngành ngân hàng trong xử lý nơ xấu? Ở đây, tôi cho rằng cần xem xét lại trách nhiệm của người vay với khoản nợ của mình. Thứ hai, hệ thống văn bản pháp lý, từ các bộ luật phải rà soát lại xem đồng bộ chưa. Khi vừa ban hành Nghị quyết 42, vướng mắc trong các vấn đề về thu hồi, xử lý nợ xấu đó là bàn giao tài sản, nếu người vay chấp hành theo hợp đồng với tổ chức tín dụng thì việc không có khả năng trả nợ, người vay cần có trách nhiệm bàn giao tài sản cho ngân hàng xử lý. Tuy nhiên thực tế không như vậy và phát sinh nhiều tranh chấp, không tự nguyện bàn giao tài sản dẫn tới ngân hàng rất khó khăn trong thu hồi nợ nên kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết 42. Khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, ngân hàng sẽ rất khó khăn", ông Hùng cho biết.
Thực tế, phía ngân hàng và VAMC cũng gặp khá nhiều khó khăn khi xử lý nợ xấu, đặc biệt khi tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu đa phần là bất động sản. Do đó, khi thị trường bất động sản trầm lắng, các tổ chức tín dụng cũng khó kiếm được người mua nợ phù hợp.
Hiện 70 - 80% tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu là bất động sản. Khi thị trường bất động sản trầm lắng, các ngân hàng cũng gặp khó trong xử lý nợ xấu.
"Những tài sản đảm bảo là bất động sản liên quan đến nghỉ dưỡng, bất động sản cao cấp vẫn gặp khó khăn trong việc thanh khoản, đặc biệt ở các địa phương có tiềm năng du lịch như Đà Nẵng, Khánh Hòa...", ông Nguyễn Hùng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản, Ngân hàng Quốc dân NCB, cho biết.
"Chúng tôi đang trông chờ nhiều vào Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, trong đó có điều chỉnh về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua, là nền tảng quan trọng để VAMC xử lý nợ xấu", TS. Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC, cho hay.
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho xử lý nợ xấu
Nhiều ý kiến cho rằng cần có hành lang pháp lý rõ ràng, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, để cả tổ chức tín dụng và các công ty mua bán nợ, có thể thực hiện hiệu quả việc xử lý nợ xấu.
Liên tục đăng tải chào bán các khoản nợ và tài sản đảm bảo trên sàn giao dịch, nhưng lượng người hỏi mua khá vắng vẻ. Sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, các tổ chức tín dụng chỉ được bán nợ xấu của các dự án bất động sản cho các công ty có chức năng kinh doanh mua bán nợ mà không được bán cho những người khác, vì vậy không dễ tìm được người mua phù hợp.
"Thực tế chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn trong hoạt động sàn giao dịch của mình, đơn cử như hành lang pháp lý bảo vệ cho người bán và người mua trên Sàn giao dịch nợ VAMC, cũng như tính thanh khoản của các tài sản bảo đảm, khoản nợ mà các tổ chức tín dụng đăng tải chào bán trên sàn giao dịch nợ là tương đối thấp", ông Vũ Ngọc Minh, Giám đốc Sàn giao dịch nợ VAMC, cho biết.
"Trong 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 42, biện pháp bán nợ xấu cho các tổ chức và cá nhân thông qua các hình thức đấu giá hoặc thông qua hình thức thỏa thuận của các tổ chức tín dụng và VAMC là một trong những biện pháp hữu hiệu trong vấn đề gì nợ xấu. Kết quả thực hiện xử lý nợ xấu từ biện pháp này có thể chiếm tới trên 30% tổng số xử lý nợ xấu của toàn hệ thống. Vì vậy nếu hiện nay Nghị quyết 42 hết hiệu lực thì biện pháp bán nợ xấu ra cho các tổ chức và cá nhân khác mà không có chức năng kinh doanh món nợ này sẽ vô hình hạn chế các đối tượng tham gia cạnh tranh để thực hiện xử lý nợ xấu, do đó hạn chế trực tiếp tới công tác xử lý nợ xấu. Do đó chúng ta không huy động được rộng rãi các nguồn lực xã hội tham gia vào xử lý nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng", ông Đỗ Giang Nam, Thành viên Hội đồng thành viên VAMC, cho hay.
VAMC đề xuất cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ, tránh khoảng trống pháp lý kéo dài, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 3% trong năm nay.
Đẩy mạnh thu hồi nợ, xử lý nợ xấu sẽ góp phần cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng, qua đó tạo dòng vốn lành mạnh cho phát triển nền kinh tế.
Ngân hàng nỗ lực xử lý nợ xấu VTV.vn - Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực vào 31/12/2023. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!