Tăng hiệu quả xử lý nợ xấu

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 06/10/2023 08:08 GMT+7

VTV.vn - Việc "chây ì" trả nợ, kéo dài việc xử lý nợ sẽ gây tác hại tiêu cực không chỉ cho ngân hàng có nợ xấu mà còn với toàn nền kinh tế.

Thúc đẩy mua bán nợ xấu theo giá thị trường

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 7, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng là 3,56%. Nhưng con số sẽ là 5,22%, nếu tính thêm cả nợ bán cho công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái... của hệ thống khác.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng đã vượt ngưỡng 3%, trong đó thậm chí cá biệt những ngân hàng tỷ lệ nợ xấu còn lên đến 26%. Thúc đẩy mua bán nợ theo giá thị trường là một giải pháp hữu hiệu nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn.

Đôn đốc, thuyết phục khách hàng trả nợ, tư vấn để tối ưu dòng tiền, thậm chí giảm đến 50% lãi suất các khoản vay đến hạn là những gì Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản AgriBank đang triển khai.

Tăng hiệu quả xử lý nợ xấu - Ảnh 1.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 7, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng là 3,56%. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Giãn, hoãn tức là nợ vẫn còn đó chỉ là được trả chậm hơn. Điều này khiến các khoản nợ xấu tiềm ẩn gia tăng. Việc công ty quản lý tài sản VAMC bị giới hạn là không được tham gia đấu giá các khoản nợ xấu của các ngân hàng đây là một rào cản.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong các giải pháp thì tăng cường phát triển thị trường mua bán nợ theo giá thị trường là một xu hướng tất yếu đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Ông Paulo Medas - Trưởng đoàn giám sát về kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ khu vực, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết: "Các cơ quan nên tận dụng việc sửa đổi luật các tổ chức tín dụng đang diễn ra để xây dựng các khuôn khổ phát triển thị trường mua bán nợ và tăng các quy định giám sát, xử lý thanh khoản ngân hàng".

Phát hành trái phiếu để xử lý nợ xấu

Nợ xấu của 27 ngân hàng tính đến hết quý II vừa qua hơn 188.000 tỷ đồng, tăng hơn 67.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, những khoản nợ xấu nghi ngờ, nợ dưới tiêu chuẩn cũng gia tăng. Những giải pháp gia tăng nguồn lực tài chính đã được đề xuất.

Gần 13.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý trong 1 năm qua, tuy nhiên chỉ có khoảng 10% trong số đó được mua bán theo giá thị trường. Để tăng khả năng mua nợ từ ngân hàng về xử lý qua đấu giá và đưa lên sàn giao dịch nợ tập trung, VAMC cần tăng thêm nguồn lực.

Việc các công ty mua bán nợ của nhà nước phát hành trái phiếu có lãi suất cũng là thông lệ chung của các thị trường quốc tế.

Ông Youngso Moon - Tổng Giám đốc Công ty Mua Bán nợ Welcome, Hàn Quốc cho biết: "Ở Hàn Quốc, công ty quản lý tài sản thuộc sở hữu của nhà nước sẽ phát hành trái phiếu theo lãi suất thực tế từng thời điểm để mua lại các khoản nợ theo giá thị trường, từ đó tăng lực cầu và thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu".

"Đứng cho vay, quỳ đòi nợ" là câu nói ví von về việc các ngân hàng gặp khó khăn với các khoản nợ khó đòi. Việc tiếp tục triển khai thi hành Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu giúp cho hệ thống Ngân hàng có căn cứ pháp lý, để tiếp tục xử lý các "cục máu đông trong cơ thể của nền kinh tế", nhanh chóng đẩy vốn tín dụng vào nền kinh tế theo chỉ đạo hiện nay của Chính phủ.

Việc "chây ì" trả nợ, kéo dài việc xử lý nợ thực tế gây tác hại tiêu cực không chỉ cho ngân hàng có nợ xấu mà còn với toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng cần nhất quán việc xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm cần đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch để bảo đảm hiệu quả giải pháp cũng như bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp các bên liên quan.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước