Chiến lược "địa phương hóa" - tăng yếu tố địa phương trong các sản phẩm đang là một trong những chiến lược được các nhà đầu tư Nhật Bản triển khai và đạt hiệu quả. Bằng cách hoàn thiện chuỗi cung ứng, mở rộng nhà máy sản xuất, mở rộng cửa hàng phân phối, nâng tỷ trọng nội địa hoá, các sản phẩm đang dần chiếm lĩnh được thị trường. Điều này giải thích lí do tại sao các tên tuổi bán lẻ hay tiêu dùng của Nhật Bản cam kết và theo đuổi các mục tiêu đầu tư dài hạn vào thị trường Việt Nam.
Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản Jetro, nỗ lực "địa phương hóa" cả đầu vào lẫn đầu ra là định hướng của rất nhiều nhà bán lẻ Nhật Bản đang làm tại thị trường.
Ông Matsumoto Nobuyuki - Trưởng đại diện, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, Văn phòng TP. Hồ Chí Minh (JETRO) chia sẻ: “Về triển vọng nội địa hóa trong tương lai, hơn 43 % doanh nghiệp Nhật Bản phản hồi sẽ "mở rộng" tại Việt Nam, cao hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 28% trong khu vực chung ASEAN”.
Bên cạnh đó, việc đầu tư cả khâu sản xuất và phân phối sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí và có cơ sở để tăng doanh thu.
Ông Mohammad Mudasser - Giám đốc dịch vụ Quản lý vốn lưu động, Công ty PwC Việt Nam nhận định: “Thách thức lớn nhất hiện nay với doanh nghiệp là tạo ra nhu cầu. Để giải quyết những thách thức này, doanh nghiệp thường xem xét kỹ lưỡng cấu trúc chi phí để tìm kiếm các cơ hội tiết kiệm. Với sự liền mạch từ sản xuất và phân phối sẽ giúp giảm chi phí, đặc biệt là trong các lĩnh vực như vận hành và chuỗi cung ứng”.
Với tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, cùng với các yếu tố khách quan thuận lợi, thị trường bán lẻ Việt Nam được nhận định là thị trường hấp dẫn tại khu vực. Do đó, nếu tối ưu hóa chi phí vận hành và hoàn thiện chuỗi cung ứng từ sản xuất đến phân phối thì các doanh nghiệp sẽ đạt được triển vọng doanh thu tốt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!