Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều thách thức, áp lực với thị trường việc làm tăng cao, những quy định nhằm bảo vệ và hỗ trợ người lao động cũng ngày càng được quan tâm hơn, một trong số đó chính là "quyền ngắt kết nối" - quy định cho phép người lao động không còn bị bắt buộc phải nhận mọi liên lạc điện thoại, tin nhắn, email công việc sau giờ làm. Australia vừa trở thành quốc gia mới nhất gia nhập làn sóng này. Tuy nhiên, xu hướng này cũng đang phải đối diện với nhiều tranh luận giữa các bên về tính hiệu quả trong lao động.
Kể từ ngày 26/8, luật về "Quyền ngắt kết nối" đã chính thức có hiệu lực tại Australia, buộc các công ty không được phép trừng phạt người lao động khi bị liên hệ ngoài giờ làm việc. Các công ty vi phạm có thể phải chịu mức phạt tối đa 94 nghìn đô la Australia (khoảng 1,6 tỷ đồng). Phần đông người lao động tỏ ra khá hào hứng, nhưng cũng có những người có chút nghi ngại.
"Tôi nghĩ rằng luật này rất quan trọng, bởi chúng tôi phải kết nối với điện thoại hay email cả ngày và rất khó để tắt chúng đi. Tất nhiên cũng có những khách hàng cần liên lạc gấp, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Nên tôi hoàn toàn ủng hộ luật này", chị Rachel Abdelnour - Nhân viên ngành quảng cáo bày tỏ.
Ông David Brennan - Nhân viên ngành tài chính chia sẻ: "Tôi thích nó, nhưng chắc là ngành của tôi sẽ không thích lắm. Chúng tôi được trả lương cao và được kỳ vọng phải hoàn thành công việc. Bởi vậy nếu cần, chúng tôi nghĩ mình phải sẵn sàng làm việc cả 24 giờ mỗi ngày, luôn luôn bật máy tính hay điện thoại để hoàn thành công việc".
Kể từ ngày 26/8, người lao động tại Australia có quyền từ chối nhận hoặc phản hồi điện thoại, tin nhắn, email ngoài giờ làm việc. Ảnh minh họa.
"Quyền ngắt kết nối" không phải một ý tưởng mới mẻ. Năm 2016, Pháp đã chính thức đưa quy định này vào luật và đã có khoảng 20 quốc gia khác áp dụng quy định tương tự. Hiện giới chức Anh và Liên minh châu Âu EU cũng đang trong quá trình nghiên cứu để thúc đẩy chính sách này.
Kể từ đại dịch COVID-19, xu hướng này cũng ngày càng được quan tâm, khi phần lớn người lao động phải làm việc từ xa, với kỳ vọng, quyền ngắt kết nối sẽ giúp người lao động có thời gian nghỉ ngơi và cân bằng giữa công việc và cuộc sống, hạn chế việc làm quá giờ không lương.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại bày tỏ lo ngại, người lao động có thể từ chối bất cứ liên lạc nào kể cả cấp thiết, gây ra đình trệ công việc và giảm năng suất. Theo các nhà nghiên cứu, những quy định như thế này sẽ cần có một sự linh hoạt nhất định.
Bà Fiona Macdonald - Giám đốc chính sách, Trung tâm nghiên cứu Lao động trong tương lai cho biết: "Rõ ràng sẽ có những công việc đòi hỏi người lao động phải có một số trách nhiệm ở ngoài giờ làm chính thức. Hoàn cảnh cá nhân của nhân viên cũng là điều mà nhà quản lý cần lưu tâm. Tôi nghĩ rằng để quy định này có hiệu quả cần được xem xét và thực hiện trong bối cảnh cụ thể".
Giới chức Australia cho biết, vẫn sẽ có một số ngoại lệ với quy định mới để giải quyết các trường hợp khẩn cấp hoặc giờ làm việc không cố định và người lao động cần có lý do hợp lý để từ chối các liên lạc này. Nhìn chung, nước này kỳ vọng quy định mới sẽ bảo vệ người lao động, khi bình quân người dân nước này làm thêm tới 281 giờ không lương trong năm ngoái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!