Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Dự án hiện đang là tâm điểm chú ý, không chỉ bởi quy mô đầu tư khổng lồ mà còn bởi những “cơ hội tỷ đô” cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc khẳng định năng lực, làm chủ thị trường trong nước và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt nhưng cũng có vô vàn thách thức.
Chi phí đầu tư hơn 67 tỷ USD; thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,25 tỷ USD sẽ được tạo ra khi đầu tư Đường sắt tốc độ cao. Đây được xem là cơ hội "trăm năm có một", các doanh nghiệp trong ngành xây dựng đều đặc biệt quan tâm và mong muốn sẽ được tham gia vào dự án.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết: “Nó vẫn là cầu hầm, vẫn là tuynel, vẫn là cầu dây văng. Về mặt công nghệ, về mặt tổ chức thi công, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng là với năng lực trình độ của các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng của chúng ta, chúng ta hoàn toàn có thể đảm đương được”.
Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt nhưng cũng có vô vàn thách thức
Nhiều tập đoàn và doanh nghiệp lớn đã chủ động gửi kỹ sư sang các nước phát triển mạnh về đường sắt tốc độ cao để học hỏi kinh nghiệm đầu tư, xây dựng, công nghệ. Các doanh nghiệp khẳng định, nếu được chuyển giao công nghệ thích hợp, họ sẽ từng bước làm chủ và nội địa hóa về chế tạo toa xe, hệ thống cấp điện động lực, hệ thống thông tin - tín hiệu; tự chủ toàn bộ công tác vận hành, duy tu, bảo trì và sản xuất một số linh kiện thay thế cho đường sắt tốc độ cao.
Ông Đào Ngọc Vinh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải chia sẻ: “Bản thân chúng tôi hiện nay cũng đang rất nỗ lực để nâng cao trình độ năng lực đào tạo và chúng tôi cũng mong muốn là được tham gia dự án này”.
Ông Đỗ Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV nhận định: “Một trong ba đột phá của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra, trong đó đột phá về nguồn nhân lực luôn luôn đúng trong quá trình mà chúng ta thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá. Đặc biệt là đối với việc xây dựng hệ thống đường sắt quốc gia tốc độ cao, nguồn nhân lực đang là một thách thức”.
Cơ cấu nền kinh tế, ngân sách, chu kỳ đầu tư không còn là vấn đề lớn ở thời điểm hiện tại. Thách thức lớn nhất hiện tại chính là các doanh nghiệp Việt cần có được đội ngũ nhân lực lớn, chất lượng cao và cần chính sách đặc thù để hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận thực hiện dự án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!