Mô hình kinh tế "không tiếp xúc" lên ngôi thời dịch COVID-19

TTXVN-Thứ năm, ngày 19/03/2020 12:21 GMT+7

Ảnh: THX/TTXVN

VTV.vn - Xu hướng "giữ khoảng cách với người khác" để tránh lây nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn ra với nhiều hình thức khác nhau trong xã hội Hàn Quốc.

Các hoạt động "không tiếp xúc" như làm việc tại nhà và mua sắm trực tuyến đang lan rộng trong toàn bộ nền kinh tế và xã hội ở nước này.

Trong lĩnh vực ăn uống, doanh thu giao hàng tận nơi tăng mạnh. Phần lớn các hoạt động phỏng vấn tuyển dụng, giảng dạy đại học, tư vấn xuất khẩu… đều diễn ra theo hình thức trực tuyến. Giữ khoảng cách với người khác được coi là một trong những biện pháp đầu tiên hết sức quan trọng trong phòng tránh dịch COVID-19, hiện đang lan rộng không chỉ tại Hàn Quốc mà trên phạm vi toàn cầu.

Ban đầu, Cơ quan phòng dịch Hàn Quốc khuyến nghị người dân ưu tiên đeo khẩu trang để phòng ngừa lây nhiễm virus SARS-COV-2. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh lan rộng, nguồn cung khẩu trang trở nên khan hiếm, Chính phủ Hàn Quốc nhấn mạnh hơn về các biện pháp rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách với người khác.

Khẩu trang là tối cần thiết với đội ngũ y tế, người cao tuổi hoặc sức khỏe yếu có bệnh lý nền, nhưng với người khỏe mạnh thì rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác lại có hiệu quả hơn. Cơ quan y tế cho biết trong các hạng mục khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không ưu tiên đeo khẩu trang.

Theo đó, cơ quan chức năng đã khuyến nghị các doanh nghiệp cho nhân viên làm việc tại nhà. Trong bối cảnh dịch bệnh, các cuộc họp, bài giảng online, mua sắm trực tuyến diễn ra sôi động nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp, ngăn chặn tận gốc con đường lây lan của virus.

Từ trước tới nay, các hoạt động kinh tế truyền thống diễn ra theo phương thức "mặt đối mặt" bình thường. Thị trường - nơi diễn ra các hoạt động kinh tế - chính là nơi "cung gặp cầu". Do vậy, việc người dân hạn chế ra ngoài, tránh tiếp xúc trực tiếp với người khác sẽ làm co hẹp hoặc gián đoạn hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, ngày nay, kinh tế trực tuyến đã ăn sâu vào nếp sinh hoạt của người dân. Để tránh lây nhiễm, các hoạt động "không tiếp xúc" dựa trên hạ tầng công nghệ sẵn có trở nên sôi động hơn cũng là điều dễ hiểu.

Nhiều trung tâm thương mại, vốn là không gian mua sắm trực tiếp tiêu biểu của người dân, đang tích cực kích cầu mua sắm trực tuyến. Để đối phó với tình trạng khách mua hàng sụt giảm mạnh do dịch COVID-19, một số trung tâm thương mại đã mở rộng các kênh thương mại điện tử và đạt kết quả tích cực.

Ở thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang, nơi các hoạt động kinh tế đang tê liệt do có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất cả nước, chính quyền các địa phương đang tích cực tổ chức những buổi tư vấn, marketing theo hình thức "không tiếp xúc", như tư vấn xuất khẩu trực tuyến.

Những biện pháp này được thực hiện trong bối cảnh số quốc gia hạn chế nhập cảnh đối với công dân Hàn Quốc ngày một gia tăng, khiến hoạt động kinh doanh tại nước ngoài như triển lãm, công tác càng thêm khó khăn.

Một số trường đại học trong nước đã bắt đầu giảng dạy trực tuyến cho sinh viên, còn các doanh nghiệp tiến hành phỏng vấn qua video trong quá trình tuyển dụng nhân viên mới. Các nhà hàng ăn uống cho thấy thay đổi rõ nét nhất với doanh thu tăng mạnh đến từ các đơn hàng giao tận nơi. Ngoài ra, giới doanh nghiệp công nghệ thông tin (IT) cũng đang tích cực đối phó với xu hướng gia tăng các hoạt động kinh tế "không tiếp xúc".

Hãng Naver, đơn vị điều hành cổng thông tin lớn nhất Hàn Quốc, đang đẩy mạnh hỗ trợ công nghệ "không tiếp xúc", như triển khai "công cụ thương mại trực tuyến" giúp người bán hàng giới thiệu về sản phẩm theo hình thức video phát trực tiếp. Ngoài ra, hãng này còn chuyển đổi chương trình đào tạo cho các tiểu thương sang hình thức đào tạo trực tuyến.

Dịch COVID-19 kéo dài đang làm thay đổi phương thức diễn ra các hoạt động kinh tế. "Kinh tế không tiếp xúc" có thể sẽ trở thành xu hướng mới sau khi dịch bệnh được khống chế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước