Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen năm 2024 tăng gần 50% so với năm ngoái. Ảnh: TL
Xuất khẩu "vàng đen" đem lại giá trị vàng
Năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 36.727 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 31.755 tấn, tiêu trắng đạt 4.972 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 176,2 triệu USD, so với năm 2023 lượng nhập khẩu tăng 38,4%, kim ngạch tăng 99,5%. Indonesia, Brazil và Campuchia là 3 quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam đạt 17.194 tấn, 9.558 tấn và 6.798 tấn, trong đó nhập khẩu từ Indonesia và Campuchia tăng 431,2% và 80,7% trong khi đó nhập khẩu từ Brazil giảm 42,4%.
Theo thống kê mới nhất vừa công bố của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), năm 2024, nước ta đã xuất khẩu được 250.600 tấn hồ tiêu các loại, đạt gần 1,32 tỷ USD. Trong đó, tiêu đen đạt gần 1,18 tỷ USD, tiêu trắng đạt 200,6 triệu USD. Như vậy, so với năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 5,1%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đột biến lên đến 45,4%. Điều đáng mừng, giá xuất khẩu bình quân tiêu đen năm 2024 đạt 5.154 USD/tấn, tăng gần 50% và tiêu trắng đạt 6.884 USD/tấn, tăng 40% so với năm ngoái.
Trao đổi nhanh với phóng viên, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, đến nay, hồ tiêu Việt Nam rất nổi tiếng trên thị trường thế giới. Nước ta đang sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới với 40% sản lượng, xuất khẩu sang 110 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của nước ta với 72.311 tấn năm 2024, chiếm 28,9% và tăng 33,2% so với năm 2023. Đây cũng là lượng xuất khẩu kỷ lục cao nhất từ trước tới nay, tăng 21,0% so với năm kỷ lục trước đó là 2021 đạt 59.778 tấn.
Đặc biệt, theo bà Liên, hiện công nghệ chế biến hồ tiêu nước ta không thua kém bất kỳ đối thủ nào trên thế giới. Sản phẩm hồ tiêu của doanh nghiệp Việt đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của thị trường, kể cả các thị trường khó tính và đặc thù như EU, UAE...
"Chúng ta có gần 200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh hồ tiêu; trong đó có 14 nhà máy chế biến sâu. Đặc biệt, có 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chiếm gần 30% thị phần xuất khẩu. Các doanh nghiệp có nhà máy chế biến công nghệ cao theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA đã tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng được nhiều thị trường khác nhau", bà Liên nhấn mạnh.
Còn theo đánh giá của đại diện Bộ Công thương, ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, những nền tảng về vị thế, nội lực đã xây dựng được trong thời gian qua, cộng với mức giá tiếp tục có xu hướng tăng trưởng đều thời gian qua...là các yếu tố khuyến khích nông dân, hợp tác xã có kế hoạch đẩy mạnh trồng trọ, canh tác, sản xuất, nâng cao năng suất trong thời gian tới. Đây là những tín hiệu tích cực cho vụ mùa năm 2025.
Dự báo tiếp tục "được giá" trong năm 2025
Nhận định về thị trường xuất khẩu hồ tiêu năm 2025, ông Hải cho biết, năm 2025, sản lượng hồ tiêu toàn cầu sẽ tiếp tục giảm. Thông tin từ các thương vụ cho thấy, Indonesia và Ấn Độ là hai đối thị "nặng ký" của nước ta được dự báo sẽ giảm sản lượng do đối mặt với nhiều khó khăn về điều kiện thời tiết. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tăng, nhất là ở thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu...Đây chính là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam.
Bàn về vấn đề này, Chủ tịch VPSA cho biết thêm, giá hồ tiêu tăng mạnh ngay trong những tuần đầu của năm mới 2025 là tín hiệu tích cực cho ngành hồ tiêu Việt Nam. Theo tính toán của hiệp hội, hiện lượng tồn kho hồ tiêu thấp, trong khi nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường lớn như Hoa Kỹ, EU, Trung Quốc đang gia tăng mạnh...Giá mặt hàng này chắc chắn sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian tới.
Thêm vào đó, theo bà Liên, dự kiến, vụ thu hoạch hạt tiêu năm 2025 của Việt Nam tập trung vào tháng 2, tháng 3 và tháng 4 tới, chậm hơn 1 - 2 tháng so với những năm trước do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, khiến nguồn cung hồ tiêu Việt Nam ngày càng hạn chế. Hiện, Trung Quốc đang có kế hoạch tăng nhập khẩu ngay khi Việt Nam vào vụ thu hoạch này. Trước những thông tin đó, giá "vàng đen" tại thị trường trong nước cũng đang rục rịch tăng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, thị trường sẽ còn nhiều yếu tố bất định và thay đổi khó lường nên doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần theo sát diễn biến và động thái mua hàng từ các đối tác để có kế hoạch thu mua, dự trữ phù hợp, tránh rủi ro.
Về dài hạn, đại diện Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị, xuất khẩu "vàng đen" Việt đang đứng trước không ít thách thức. Trong đó, nguy cơ lớn nhất chính là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kế tiếp đó là các yếu tố về môi trường, giảm phát thải carbon, mô hình canh tác bền vững, mô hình trồng xen một cách bền vững...hay các thách thức về xã hội như lao động trẻ em, lao động bình đẳng giới...Đây là một bài toán dài hơi, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Song, không thể chậm trễ. Trong đó, quan trọng nhất là đẩy mạnh sự kết nối giữa nông dân - doanh nghiệp, trồng trọt và chế biến dưới sự hỗ trợ hiệu quả từ phía hiệp hội, địa phương và bộ, ngành liên quan. Từ sự kết nối chặt chẽ sẽ có những chiến lược phù hợp và sự đầu tư vốn, công nghệ hiệu quả.
"Chúng ta cần tập trung cho bài toán liên kết để tạo vùng nguyên liệu, nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho các sản phảm hồ tiêu tại các thị trường xuất khẩu lớn", ông Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Hải cũng khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu nên tận dụng triệt để các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết đối với nhóm hàng nông sản để gia tăng kim ngạch.
Còn theo bà Liên, năm 2025, ngành hạt tiêu và gia vị sẽ tập trung hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, hiệp hội sẽ hỗ trợ mở rộng thị trường, tiếp tục nâng cao vị thế của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!