Trước những khó khăn do COVID-19 gây ra, những biện pháp chống dịch được nhiều nước châu Âu đưa ra, cố gắng không để ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, hiện các nước đã buộc phải áp dụng các biện pháp chống dịch triệt để hơn, dù cho các biện pháp đó có làm tê liệt sản xuất và thương mại.
Bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho hay: "Trước hết, chúng ta phải hành động ở cấp độ kinh tế vĩ mô. Chúng ta sẽ sử dụng tất cả các công cụ để đảm bảo rằng nền kinh tế châu Âu vượt qua được cơn bão này".
Các nước châu Âu tuyên bố sẽ chi những khoản tiền lớn cứu doanh nghiệp khỏi phá sản, người lao động khỏi mất việc làm.
"Nước Đức sẽ làm mọi việc cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế và đảm bảo công ăn việc làm. Bằng chứng là Quốc hội và Hội đồng Liên bang nhất trí với quyết định chi trả trợ cấp cho những người buộc phải nghỉ việc ngắn hạn - một biện pháp nhằm bảo vệ người lao động và doanh nghiệp", Thử tướng Đức Angela Merkel cho hay.
Nhiều nước châu Âu đã hiểu ra rằng phải hy sinh kinh tế mới kiềm chế được dịch. Du lịch và hàng không nhiều nước đã hết hy vọng cầm cự, nhiều cửa hàng cửa hiệu cũng bị cấm mở. Hiện chỉ còn các cửa hàng thực phẩm và dược phẩm mới được mở cửa, với những điều kiện khắt khe.
Ông Mario Centeno - Chủ tịch Eurogroup cho hay: "Chúng tôi sẽ bảo vệ công dân và bảo vệ đồng tiền, bằng mọi biện pháp có thể. Chúng tôi cam kết hỗ trợ không giới hạn trong thời điểm cần thiết này, làm bất cứ điều gì nhằm khôi phục lòng tin và phục hồi kinh tế".
Mới đây, khi Liên minh châu Âu buộc phải tuyên bố cấm người nước ngoài nhập cảnh, vẫn không quên nhấn mạnh: Người không nhập cảnh, nhưng hàng vẫn nhập khẩu. Tại biên giới giữa các nước châu Âu, nước nào muốn kiểm dịch sẽ tùy nước đó quyết định, nhưng không được làm chậm việc lưu thông hàng hoá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!