Làm sao để du lịch Việt Nam không “đi trước, về sau”?

VTV Digital-Thứ tư, ngày 08/03/2023 06:13 GMT+7

VTV.vn - Để du lịch quốc tế Việt Nam "cất cánh", các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cần tháo các nút thắt.

Cạnh tranh gia tăng trong du lịch Đông Nam Á

Du lịch vẫn đang được xem là động lực tăng trưởng chính của nhiều quốc gia sau dịch COVID-19 như Trung Quốc, Thái Lan, trong đó có Việt Nam như nhận định trong báo cáo gần đây của HSBC. Vậy liệu Việt Nam có đạt được mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay hay không?

Năm 2022, mục tiêu 5 triệu lượt khách của Việt Nam đã không đạt được, khi chỉ đón 3,66 triệu lượt khách, được 73% kế hoạch. Đã đến lúc cần nhìn thẳng vào vấn đề rằng mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa đón khách du lịch quốc tế sau dịch COVID-19, nhưng nếu so với các nước trong khu vực khách đến chơi nhà của Việt Nam vẫn kém hơn nhiều so với nhà hàng xóm.

Theo trang CNBC, khu vực Đông Nam Á đang có rất nhiều tiềm năng vực dậy lĩnh vực du lịch. Nhìn sang các quốc gia trong khu vực năm 2022, lượng khách quốc tế đến Singapore là 6,3 triệu, Thái Lan là 10 triệu, Malaysia là 7,2 triệu. Doanh thu từ khách du lịch quốc tế của các quốc gia này năm 2022 cũng bật tăng mạnh mẽ cho thấy sự phục hồi sau đại dịch. Singapore đạt 10,8 tỷ USD, Thái Lan đạt 43 tỷ USD và Malaysia đạt khoảng 5,8 tỷ USD. Như vậy cả số lượng khách hay tiền thu được thì các nước như Thái Lan, Singapore hay Malaysia đều "bội thu".

Vắng khách du lịch, nhiều khách sạn đóng cửa

Theo biểu đồ Chỉ số phục hồi du lịch sau dịch COVID-19 từ báo cáo của Hội đồng tư vấn du lịch TAB, chỉ số phục hồi của ngành du lịch Việt Nam năm 2022 là 18,1% - đứng cuối bảng phục hồi du lịch quốc tế của khu vực. Trong khi chỉ số này cao nhất là của Singapore 30,9%, của Malaysia là 27,5% hay của Thái Lan là 22%.

Làm sao để du lịch Việt Nam không “đi trước, về sau”? - Ảnh 1.

Biểu đồ Chỉ số phục hồi du lịch sau dịch COVID-19.

Không ít khách sạn chuyên phục vụ khách quốc tế của Việt Nam hiện trong tình cảnh ế ẩm, thậm chí phải rao bán. Cho thuê nhà; nhà bán… biển rao bán, cho thuê mới được dán đè lên biển cũ là những hình ảnh mấy xa lạ dọc đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP Hồ Chí Minh - một tuyến đường nổi tiếng thu hút khách nước ngoài khi đến với thành phố.

Nhiều khách sạn đóng cửa hoặc phải chuyển đổi công năng sang văn phòng cho thuê. Một số tuyến đường trung tâm khác như Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện... cũng rơi vào trường hợp tương tự. Thiếu vắng khách du lịch là lý do chính khiến việc kinh doanh dịch vụ lưu trú không còn sức hấp dẫn.

Khách quốc tế chiếm đến 80 - 90% hoạt động kinh doanh, một cơ sở lưu trú tại "phố Tây" Bùi Viện này cho biết, tỷ lệ lấp đầy phòng chỉ đạt 1/3 trong những ngày thường. Lợi nhuận không đủ bù chi phí vận hành nên buộc phải làm thêm các dịch vụ khác để xoay xở.

Bà Võ Thanh Loan - Chủ cơ sở Loan Võ Hostel, quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Phòng bây giờ rất trống, chiếm đầy phòng chỉ khoảng 20 - 30%, ví dụ như cuối tuần thì full phòng, còn bình thường trống phòng. Để cân đối chi phí thì tôi cũng phải cố gắng làm thêm dịch vụ phụ, chẳng hạn như: bán vé máy bay, bán vé xe lửa, xe bus và làm các tour cá nhân…".

Đối với lượng khách đi theo đoàn, tour thông qua công ty du lịch cũng chưa phục hồi rõ nét. Dữ liệu từ Công ty Du lịch Vietravel cho thấy, từ giữa tháng 3/2022 đến nay, khách nước ngoài đến Việt Nam thông qua công ty chỉ đạt 25% so với năm 2019. Con số này vẫn còn kém xa so với mục tiêu đề ra là phục hồi khoảng 70%.

"Thị trường nguồn của chúng tôi vẫn tập trung vào thị trường chính là Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Những thị trường này hiện nay chúng ta đang còn có yếu tố chưa được tốt như chính sách du lịch mở cửa các nước này vẫn chưa được thông thoáng. Thứ hai là mức giá vì yếu tố xăng dầu tăng dẫn đến các hãng hàng không họ chưa mở đầy đủ các chuyến bay thường lệ giống như năm 2019", bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel nói.

Trong báo cáo mới đây nhất từ Savills Việt Nam, công suất phòng khách sạn tại TP Hồ Chí Minh trong quý IV/2022 chỉ đạt 62%.

Làm sao để du lịch Việt Nam không “đi trước, về sau”? - Ảnh 2.

Không ít khách sạn chuyên phục vụ khách quốc tế của Việt Nam hiện trong tình cảnh ế ẩm, thậm chí phải rao bán.

Chính sách visa thông thoáng - "Chìa khóa" thu hút khách quốc tế

Trong 3 năm trước đại dịch COVID-19, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng hơn 55% tổng thu nhập từ khách du lịch. Hay như năm 2019, tổng thu từ khách du lịch quốc tế chiếm 18,3 tỷ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỷ USD mà toàn ngành du lịch tạo ra. Như vậy, thu hút khách quốc tế vẫn là điều tiên quyết để thực sự vực dậy ngành du lịch.

Theo các chuyên gia trong ngành vẫn có nhiều nguyên nhân khiến khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều. Trong đó, một trong những câu chuyện các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành nhắc đến là câu chuyện visa.

Ông Antonio - Du khách Australia chia sẻ: "Thời hạn visa tại Việt Nam chỉ 15 ngày, nếu thời hạn dài hơn có thể chúng tôi sẽ ở lại đất nước các bạn lâu hơn".

15 ngày - theo các chuyên gia trong ngành, thời gian miễn thị thực này là chưa phù hợp với nhu cầu lưu trú dài ngày của du khách quốc tế tới từ các thị trường xa.

"Tôi tin rằng nếu chúng ta có thị thực tăng thời gian sẽ là cởi trói rất tốt, giúp cho khách du lịch Việt Nam và khách đến ở lâu hơn và dài hơn và chi tiêu nhiều hơn", ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB) nói.

Làm sao để du lịch Việt Nam không “đi trước, về sau”? - Ảnh 3.

Chính sách visa thông thoáng sẽ là "chìa khóa" thu hút khách quốc tế. Ảnh minh họa.

Trong Sách trắng 2023 của EuroCham, các chuyên gia của tổ chức này cũng cho rằng, thời gian miễn thị thực ngắn không chỉ gây hạn chế về thời gian cho du khách, mà còn gây khó khăn cho các công ty lữ hành trong việc thiết kế tour.

"Chúng ta cần gia tăng số lượng ngày, thay vì 15 ngày thì chúng ta nâng lên 30 ngày hay 45 ngày. Nó gần giống với các nước khác trong khu vực như Thái Lan hoặc Singapore", bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel đề xuất.

Nhiều quốc gia đang cạnh tranh thu hút khách quốc tế bằng chính sách miễn visa. Trong khi Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương thì Malaysia, Singapore miễn cho 162 nước, Philippines miễn cho 157 nước, Thái Lan 64 nước... Thêm vào đó, các quốc gia trên hầu hết cấp và cho phép nhập cảnh bằng thị thực điện tử với thời gian lưu trú dài lên 6 tháng và nhiều lần nhập cảnh ra vào.

Cần đa dạng hóa thị trường du lịch

Thị trường khách lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc vẫn chưa mở tour cho khách đoàn đến nước ta. Về câu chuyện này, các cơ quan liên quan cũng đã làm việc với Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể đa dạng hoá thị trường.

Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB) cho biết: "Ấn Độ phát triển rất là tốt với Việt Nam, thay đường bay trực tiếp từ Ấn Độ qua Việt Nam của các hãng hàng không như Vietjet, Vietnam Airlines và Bamboo thì tôi tin là trong thời gian gần, Ấn Độ sẽ là thị trường rất quan trọng đối với Việt Nam".

"Khi khách Trung Quốc chưa vào Việt Nam cho thời điểm hiện nay, chúng ta vẫn có cơ hội đón thị trường khách khác như thị trường khách Nhật, khách Hàn, khách châu Âu. Chính phủ trong cuộc họp đầu năm đã xác định ngành du lịch của chúng ta phải đa dạng thị trường, không quá tập trung vào một số thị trường cụ thể", ông Nguyễn Công Hoan - Trưởng Ban Truyền thông và Chuyển đổi số, Hiệp hội Du lịch Việt Nam thông tin.

Cạnh tranh thu hút khách bằng chính sách visa thông thoáng, đa dạng hoá thị trường sẽ cần rất nhiều giải pháp để có thể đạt được mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Dự kiến, Hội nghị toàn quốc về du lịch sẽ được tổ chức vào ngày 15/3 tới. Tại đây, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ cùng nhìn nhận thẳng thắn các vấn đề và đưa ra các giải pháp cùng với Bộ VH-TT&DL và Chính phủ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước