Thay đổi hình ảnh của điểm đến Việt Nam, các địa phương liên kết chặt chẽ trong phát triển du lịch… được xem là những điểm mấu chốt trong phát triển du lịch năm 2023.

Từ nhiều năm qua du lịch đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tới gần 10% GDP. Tuy nhiên dưới tác động của đại dịch COVID-19, năm 2022 là một năm đầy biến động, với nhiều mảng màu đan xen của ngành du lịch. Bài học nào cho năm 2022 và đâu là lời giải bứt phá cho ngành công nghiệp không khói trong năm 2023?

Để du lịch Việt Nam bứt tốc năm 2023  - Ảnh 1.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch, trước COVID-19, lượng khách nội địa tăng đều qua các năm và đạt đỉnh vào 2019 với 85 triệu lượt. Năm 2022, sau khi gỡ bỏ mọi hạn chế đi lại, lượng khách nội địa cả năm đã đạt 101,3 triệu lượt, tăng 168,3% so với mục tiêu 60 triệu và vượt con số của 2019. Riêng 3 tháng hè, lượng khách đạt hơn 35 triệu. Doanh thu đạt 495.000 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch. Nhiều chuyên gia khẳng định, đây là năm hồi sinh của du lịch nội địa.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch (VHTT&DL): Việc quyết định mở cửa vào ngày 15/3/2022 là có tính chất vô cùng quan trọng.

"Đây là thời điểm hết sức phù hợp, trước rất nhiều ngày lễ lớn của đất nước. Các địa phương cũng rất chủ động tổ chức các sự kiện kích cầu. Thêm nữa, các doanh nghiệp du lịch cũng rất chủ động, kết nối thị trường, xây dựng các sản phẩm, tổ chức các sự kiện xúc tiến, quảng bá", ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.

Là người công tác lâu năm trong ngành, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch nhấn mạnh, con số tăng trưởng khách du lịch nội địa là "hơi bất ngờ".

"Lượng khách nội địa tăng nhanh như vậy thể hiện khát vọng đi du lịch của người Việt rất cao. Bản thân việc đi du lịch đã thấm vào trong đời sống của người dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng rất sẵn sàng. Dù rằng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng rất lớn nhưng khi du lịch khởi động trở lại, nhiều doanh nghiệp đã bắt nhịp ngay".

Để du lịch Việt Nam bứt tốc năm 2023  - Ảnh 2.

Tuy nhiên, bên cạnh gam màu sáng từ du lịch nội địa, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 2022 lại chưa được như kì vọng. Theo ước tính, năm 2022, cả nước chỉ đón khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Như vậy, Việt Nam không hoàn thành mục tiêu đón 5 triệu lượt du khách đề ra hồi đầu năm dù Việt Nam là một trong những nước mở cửa đón khách quốc tế trở lại sớm nhất sau khi dịch COVID-19. Nếu so với 18 triệu lượt khách trong năm 2019 - trước dịch COVID-19, kết quả này là hết sức khiêm tốn.

Lý giải cho con số này, bên cạnh nhưng nguyên nhân khách quan như một số thị trường lớn vẫn đóng cửa, hay xung đột Nga – Ukraine thì các chuyên gia cũng nhấn mạnh tới nhiều nguyên nhân chủ quan.

Theo bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh, Tập đoàn Sun World, chính sách visa hiện nay chưa thực sự trở thành lợi thế canh tranh của Việt Nam với những các nước trong khu vực.

Chia sẻ với ý kiến của bà Nguyện, ông Nguyễn Giang Nam, Giám đốc công ty Asia Paffic Travel cho biết, du khách của công ty ông đã phải sang Campuchia để làm lại thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam. Điều này gây bất tiện cho du khách khi phải mất thêm chi phí vé máy bay, chi phí visa.

Theo một số chuyên gia, nếu chưa thể mở rộng diện miễn thị thực và tăng thời gian lưu trú cho du khách, môt yếu tố khác cần cải thiện là rút ngắn thời gian làm thủ tục, mở lại thị thực online và cấp thị thực ngay tại cửa khẩu. Ông Trương Sỹ Vinh – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng Cục Du lịch nhấn mạnh cần cải tiến ngay các thủ tục ở cửa khẩu, làm thế nào để du khách thuận tiện và nhận được visa điện tử nhanh chóng hơn.

Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch mới chưa theo kịp được nhu cầu của du khách sau đại dịch, công tác truyền thông, marketing… cũng là những nguyên nhân khiến lượng du khách tới Việt Nam chưa được như kì vọng.

Để du lịch Việt Nam bứt tốc năm 2023  - Ảnh 3.
Để du lịch Việt Nam bứt tốc năm 2023  - Ảnh 4.

Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc đã dỡ bỏ các yêu cầu kiểm dịch đối với du khách quốc tế, chuyển từ chính sách Zero COVID, để chuyển sang giai đoạn "sống chung với virus".

Chiếm tới 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn trước dịch, việc thiếu vắng khách Trung Quốc đã để lại khoảng trống khó lấp cho thị trường du lịch Việt Nam trong 3 năm qua. Tuy nhiên, các chuyên gia hy vọng, điều này sẽ sớm thay đổi và các doanh nghiệp du lịch Việt đã và đang tích cực chuẩn bị cho sự kiện mở cửa này.

Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, khách Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái ngày một tăng, từ 131.000 lượt năm 2014 đã lên 750.000 lượt năm 2019. Lượng khách du lịch Trung Quốc lưu trú tại Quảng Ninh cũng chiếm khoảng 50% tổng khách quốc tế đến Quảng Ninh. Để đón khách Trung Quốc, TP Móng Cái và tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp.

"Thành phố đã có văn bản chỉ đạo các địa phương và doanh nghiệp các biện pháp sẵn sàng đón khách, rà soát, chuẩn bị các điều kiện, sắp xếp kiện toàn bộ máy, cơ sở lưu trú nâng cấp, chỉnh trang để phục vụ du khách", ông Hồ Quang Huy - Chủ tịch UBND TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Nhiều doanh nghiệp lưu trú tại Quảng Ninh cũng cho biết đang đẩy mạnh việc tuyển dụng, đào tạo về chuyên môn, ngoại ngữ cho đội ngũ nhân viên, thu hút các nhân lực trước đây thành thạo tiếng Trung, tiếng Anh. Đón đầu nhu cầu của khách Trung Quốc đã có sự thay đổi sau đại dịch, các công ty lữ hành cũng đã nghiên cứu triển khai những tour nhỏ, tour chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng; khắc phục "sạn" trong hoạt động du lịch như tour giá rẻ, chèo kéo, ép giá.

Trả lời câu hỏi về cơ hội phục hồi du lịch Việt Nam khi thị trường Trung Quốc đã mở cửa, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam nhấn mạnh, đây là một yếu tố vô cùng quan trọng để có thể thực sự nâng cao được lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2023.

"Ngay từ bây giờ chúng ta phải làm thực sự quyết liệt những công tác như nghiên cứu thị trường, và sản phẩm, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và quan trọng nhất là chính sách. Những cái chúng ta có thể điều tiết được thì hãy làm tốt nhất để du khách có thể dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam", ông Bình cho biết.

Để du lịch Việt Nam bứt tốc năm 2023  - Ảnh 5.
Để du lịch Việt Nam bứt tốc năm 2023  - Ảnh 6.

Trước nghịch lý là khách Trung Quốc chi tiêu cao nhất thế giới, nhưng lại chi tiêu rất thấp ở Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VHTT&DL cho biết, cần tăng cường quản lý, chống việc du lịch chui, cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp lữ hành.

"Phải có những biện pháp để tăng cường kiểm soát chặt chẽ đội ngũ hướng dẫn viên, nâng cao đạo đức của hướng dẫn viên trong quá trình đưa khách Trung Quốc đến Việt Nam, để thay đổi hẳn hình ảnh của điểm đến Việt Nam, không phải là điểm đến giá rẻ mà là điểm đến đẳng cấp và cần những thị trường du khách đẳng cấp", ông Khánh nhấn mạnh.

Bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh, Tập đoàn Sun World bổ sung thêm, Việt Nam thực sự thiếu những trung tâm mua sắm duty free, outlet những trung tâm mua sắm hàng trung cấp, cao cấp để du khách, nhất là du khách Trung Quốc có thể chi tiêu mua sắm.

"Khi đi du lịch, ngoài những chi phí cố định như vé máy bay, khách sạn – thường là những chi phí du khách rất cân nhắc, khi đã tới điểm đến, những trải nghiệm như ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm lại được dẫn dắt vì cảm xúc. Du khách sẵn sàng chi tiêu rất nhiều", bà Nguyện nói.


Để du lịch Việt Nam bứt tốc năm 2023  - Ảnh 7.

Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, khách chỉ đến check-in chứ không lưu trú; vẫn còn tình trạng chặt chém, chèo kéo làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam; chính sách thị thực còn nhiều rào cản… được các chuyên gia nhận định là những "điểm nghẽn" của du lịch Việt Nam lâu nay.

Để du lịch Việt Nam bứt tốc năm 2023  - Ảnh 8.

Với chính sách visa, gần 1 năm sau khi mở cửa hoàn toàn cho khách quốc tế, Việt Nam mới miễn thị thực cho 24 quốc gia với gian lưu trú là 15 ngày, trong khi Thái Lan đã miễn thị thực cho 64 quốc gia với thời gian lưu trú dài nhất là 90 ngày. Công dân Việt Nam được miễn thị thực với thời gian lưu trú ở Thái Lan là 45 ngày.

Khi được hỏi về điểm yến cần khắc phục quyết liệt nhất, ông Vũ Thế Bình cho hay: "Bản thân tôi cho rằng chúng ta không cần đưa nhiều chính sách mới. Chúng ta đã có nhiều chính sách đã được ban hành và cần thực hiện tốt những chính sách đã có, các cấp các ngành chung tay với ngành du lịch triển khai. Ví dụ như vấn đề visa. Cái gì làm được, chúng ta nên vào cuộc ngay".

Trước những nút thắt về visa, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng kiến nghị Chính phủ xem xét, áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả thị trường khách; tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ vào hoạt động này. Đặc biệt, cho phép kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho họ tới du lịch và đi lại trong nước; xem xét thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho du khách quốc tế...

Để du lịch Việt Nam bứt tốc năm 2023  - Ảnh 9.

Theo dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 thì 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam tiêp tục là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đô thị.

Tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam mới đây, thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: Cần đa dạng hóa sản phẩm theo tinh thần "cung cấp những sản phẩm, dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ là các dịch vụ chúng ta sẵn có". Theo các chuyên gia, tạo ra các sản phẩm mới lạ, hấp dẫn chính là một trong những yếu tố sống còn của du lịch.

Theo ông Vũ Thế Bình, trong các sản phẩm du lịch mới, cần đặc biệt chú ý tới các loại hình du lịch đặc thù, không nên chỉ chốt trong một số loại hình cụ thể.

"Như các bạn đã thấy, du lịch ẩm thực đang nổi lên rất mạnh. Đây cũng là yếu tố cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong khu vực. Hay các sân golf Việt Nam đều đông và không còn chỗ để đánh dù mới mở cửa lại du lịch. Cần hết sức chú trọng tới các loại hình du lịch đặc thù trong việc thu hút du khách", ông Bình nói.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tới sự thay đổi trong nhu cầu của du khách sau đại dịch. Sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần hay như cách nói là sức khỏe "thân – tâm trí" là yếu tố được du khách quan tâm đặc biệt. Vì thế, đây cũng là gợi ý để các doanh nghiệp du lịch cần lưu tâm khi xây dựng các sản phẩm mới.

Để du lịch Việt Nam bứt tốc năm 2023  - Ảnh 10.

Cũng bàn về câu chuyện xây dựng sản phẩm du lịch, trước thực tế, tại Việt Nam có thực tế là các vùng, các địa phương có sản phẩm na ná như nhau, thiếu tính riêng biệt, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VHTT&DL cho biết: "Cố gắng để mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch đặc thù. Để tránh sự chồng chèo cần tăng trường liên kết vùng, các địa phương trong vùng để lựa chọn sản phẩm đặc trưng nhất. Tránh trường hợp trong một vùng, nhiều địa phương có sản phẩm du lịch na ná như nhau".

Những năm gần đây, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, vùng, miền đã được chú trọng. Một loạt hội thảo, văn bản ký kết hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong nhiều vùng đã được triển khai.

Theo bà Trần Nguyện - Giám đốc kinh doanh, Tập đoàn Sun World, có hai hình thức liên kết là liên kết sản phẩm và hệ sinh thái tại các điểm đến với các doanh nghiệp khác như doanh nghiệp hàng không hay liên kết với chính những đơn vị lữ hành ở các địa phương lân cận để du khách có những dòng sản phẩm mới. Thứ hai có thể liên kết truyền thông marketing, đặc biệt là quảng bá cho điểm đến.

Các chuyên gia nhận định, liên kết và hợp tác là yếu tố rất quan trọng trong du lịch nhưng để những "cái bắt tay" trong phát triển du lịch mang lại hiệu quả cần có sự thực chất và mạnh mẽ hơn nữa.


Để du lịch Việt Nam bứt tốc năm 2023  - Ảnh 11.

Khi được hỏi về giải pháp quan trọng nhất, cốt lõi nhất để ngành du lịch có thể đạt được mục tiêu trong năm 2023, Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VHTT&DL nhấn mạnh: Giải pháp quan trọng nhất là phải phát triển những sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú độc đáo, qua đó nâng cao chất lượng của điểm đến Việt Nam.

Để du lịch Việt Nam bứt tốc năm 2023  - Ảnh 12.

Dưới góc độ của doanh nghiệp bà Trần Nguyện đặc biệt chú ý tới chất lượng dịch vụ.

"Sản phẩm phải mới, chất lượng đẳng cấp khác biệt với dịch vụ "từ tâm", công tác truyền thông, marketing sự kiện điểm đến có vị trí rất quan trọng. Tất các doanh nghiệp sẽ đều dược hưởng lợi từ điểm đến. Du khách sẽ tới vì điểm đến chứ chưa phải vì một sản phẩm riêng lẻ nào đó", bà Nguyện nói.

Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình cho biết, các ngàng, các cấp cần thực hiện ngay những giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong đó có rào cản về visa. Các doanh nghiệp cần có sự chủ động, đổi mới để bắt kịp với tình hình mới.

Nhận định chung của các chuyên gia, bước sang năm 2023, hầu hết các thị trường du lịch đã mở cửa trở lại, nhưng nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Đây là những thách thức khiến các chuyên gia dự báo du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019. Nhưng đây lại là cơ hội để các quốc gia thiết lập lại, định vị lại mình trong bản đồ du lịch thế giới sau đại dịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước