Lạm phát Nhật Bản hạ nhiệt

PV-Thứ sáu, ngày 18/10/2024 20:30 GMT+7

VTV.vn - Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9 của Nhật Bản đã cho thấy đà hạ nhiệt sau khi có xu hướng tăng trong các tháng trước.

Cụ thể CPI lõi, loại trừ giá thực phẩm đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với mức 2,8% của tháng 8, dù vẫn cao hơn dự báo. Trong khi đó, chỉ số CPI "siêu lõi" loại trừ cả mặt hàng thực phẩm và nhiên liệu - thước đo lạm phát quan trọng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BOJ, giữ ổn định khi đi lên 2,1% so với cùng kỳ. Lạm phát tại Nhật Bản chững lại trong tháng 9 chịu ảnh hưởng từ các khoản trợ cấp tạm thời về chi phí năng lượng cho người dân - được dự báo sẽ tiếp tục tác động tới lạm phát của quốc gia này trong các tháng cuối năm nay.

Nhà kinh tế Yoshiki Shinke, tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life, cho rằng nếu chương trình trợ cấp được gia hạn, CPI sẽ giảm, nhưng không ảnh hưởng đến xu hướng giá cả. Do đó, số liệu lạm phát khó có thể thay đổi quyết định của BoJ. Dự kiến, ngân hàng Trung ương này sẽ giữa nguyên lãi suất ở mức 0,25% tại cuộc họp vào ngày 31/10 tới.

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ của BoJ gần đây đã nhận nhiều chỉ trích, sau khi động thái này được cho là gây ra sự sụt giảm lịch sử của chứng khoán Nhật Bản và khiến thị trường toàn cầu thêm bất ổn. Dù vậy, BoJ vẫn giữ nguyên lập trường với các đợt tăng lãi suất bổ sung, nếu lạm phát diễn biến theo đúng dự báo của ngân hàng này.

Dự kiến, giá tiêu dùng có thể tăng tốc trở lại trong những tháng tới nếu trợ cấp của Chính phủ hết hạn. Lạm phát của Nhật Bản đã duy trì ở mức hoặc cao hơn mục tiêu 2% của BoJ trong hai năm rưỡi. Nhưng cho đến nay, Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa tuyên bố nước này thoát khỏi tình trạng giảm phát.

Trong tháng 9/2024, xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm lần đầu tiên trong 10 tháng qua. Điều này gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách nước này bởi bất kỳ sự suy yếu kéo dài nào trong nhu cầu toàn cầu có thể làm phức tạp lộ trình thoát khỏi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng kéo dài hàng thập kỷ qua của BoJ.

Nhu cầu suy yếu tại Trung Quốc và tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ đã đè nặng lên hoạt động xuất khẩu, trong khi sự phục hồi gần đây của đồng yen, một phần do việc BoJ bất ngờ tăng lãi suất vào cuối tháng 7/2024, càng làm giảm giá trị xuất khẩu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước