Lao động nhập cư chiếm hơn 90% trong tổng số khoảng 39.000 ca mắc COVID-19 tại Singapore. Phần lớn các ca nhiễm COVID đang trên đà hồi phục. Tuy nhiên, với những lao động nhập cư, căng thẳng và lo lắng khi làm xét nghiệm không hẳn là vì COVID-19, mà là nỗi lo lớn hơn đó là mất việc làm.
"Lúc này ai cũng lo bị mất việc. Tôi thì không có bất kỳ khoản tiết kiệm nào. Tôi không thể quay về nước và làm ăn được vì không thể vay mượn thêm. Tôi đã vay một khoản lớn để trả phí môi giới đến đây làm việc rồi" - anh Sharif Uddin, một lao động nhập cư, bày tỏ.
Lao động nhập cư chiếm phần lớn số ca mắc COVID-19 tại Singapore. (Ảnh: Singapore Ministry of Manpower)
Đến nay, chính phủ Singapore đã hỗ trợ các công ty để trả tiền lương cho lao động nhập cư trong thời gian bị cách ly và đưa ra các biện pháp giúp người lao động bị sa thải tìm được việc làm mới mà không phải hồi hương. Tuy nhiên với đà kinh tế tụt dốc hiện nay, việc doanh nghiệp sa thải lao động là không thể loại trừ.
Với khoản vay nợ từ 7.000 đến 10.000 Đô la Singapore để trả phí cho môi giới, khoảng hơn 1 năm lương cơ bản, lao động nhập cư mới đến Singapore có tâm lý chấp nhận mọi rủi ro để có việc làm. Chính điều này khiến các lao động cũ có nguy cơ mất việc cao hơn.
Lao động nhập cư tại Singapore là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: The Wall Street Journal)
"Giới chủ muốn thuê lao động mới hơn là giữ lao động cũ, bởi khi ngập trong nợ nần, có nghĩa là lao động đó sẽ ít phàn nàn, ít kêu ca gì về điều kiện làm việc hay sinh sống", bà Deborah Fordyce, Chủ tịch của Tổ chức Transient Workers Count Too, cho biết.
Dự báo, nền kinh tế Singapore năm nay có thể giảm sâu tới 7% do tác động của COVID-19. Có thể thấy lao động nhập cư tại Singapore tiếp tục là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!