Nguyên nhân là vì lao động nhập cư không nằm trong nhóm đối tượng được ưu tiên hỗ trợ từ chính phủ, trong khi điều kiện sống và làm việc của nhóm đối tượng này vốn tồn tại nhiều bất cập.
Tại Singapore, trong tổng số hơn 28.000 ca nhiễm COVID-19, có tới 90% là lao động nhập cư. Còn ở Malaysia, một số ổ dịch phát sinh từ những khu vực tập trung lao động nhập cư đã được phát hiện.
500 - 700 ca nhiễm COVID mới tiếp tục được ghi nhận mỗi ngày tại Singapore, nước đang là ổ dịch lớn nhất khu vực ASEAN. Đa số ca nhiễm đến từ các khu nhà ở của lao động nhập cư mà về cơ bản đã được cách ly.
Sau khi dịch bùng phát từ nhóm lao động nước ngoài, Singapore đang đẩy nhanh tiến hành việc xét nghiệm và điều trị miễn phí cho các đối tượng này, cung cấp nhu yếu phẩm trong thời gian cách ly và quan trọng hơn là yêu cầu chủ lao động vẫn trả lương cho họ trong thời gian không làm việc.
Trong khi đó, tại Malaysia, vấn đề COVID-19 liên quan đến lao động nước ngoài mới được dấy lên vào đầu tháng 5/2020 khi nhiều ổ dịch phát sinh từ một công trường xây dựng và tại một trung tâm mua sắm ở Kuala Lumpur được phát hiện. Chính phủ Malaysia sau đó đã yêu cầu tất cả lao động nước ngoài hoạt động trong mọi lĩnh vực phải tiến hành kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm COVID-19.
Ước tính, tại Malaysia có tới 2,3 triệu lao động nhập cư hợp pháp và Chính phủ yêu cầu chủ lao động chịu các chi phí làm xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở chỗ có khoảng 2,3 triệu lao động bất hợp pháp tại Malaysia và với chính sách hiện nay khó có thể tiến hành xét nghiệm những người này.
Nếu như Singapore đang dần kiểm soát được tình hình dịch bệnh với lao động nhập cư, vấn đề này dường như vẫn còn bỏ ngỏ tại Malaysia. Bài học kinh nghiệm từ Singapore cho thấy, công tác phòng chống dịch COVID thực sự hiệu quả chỉ khi không để lại ai ở phía sau, và đặc biệt nhóm đối tượng cần được quan tâm hiện nay là các lao động nước ngoài nhập cư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!