Kinh doanh dịch vụ đòi nợ - Nên cấm hay không?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ bảy, ngày 31/08/2019 08:45 GMT+7

VTV.vn - Hàng loạt hành động côn đồ được các đối tượng đòi nợ thực hiện, nhằm gây sức ép lên con nợ. Dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư đề xuất cấm đầu tư, kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Ngày 29/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã vừa trình Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để thẩm tra Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư. Trong đó có một nội dung đáng chú ý là ngành nghề "Kinh doanh dịch vụ đòi nợ" được bỏ ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện, nhưng lại được bổ sung vào danh mục cấm đầu tư kinh doanh.

Mới đây nhất, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra kiến nghị cấm kinh doanh ngành nghề này. Bởi nhiều vụ việc công ty đòi nợ thuê sử dụng những đối tượng có tiền án tiền sự, băng nhóm tội phạm, thậm chí dùng cả vũ lực đe dọa trấn áp con nợ, gây bất ổn xã hội.

Đề xuất không cho phép tồn tại loại hình dịch vụ này đã ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ các đối tượng sẽ chịu tác động. Bởi thực tế, nhu cầu sử dụng dịch vụ đòi nợ hiện nay là không nhỏ.

Theo số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, tỷ lệ thành công khi dùng dịch vụ thu hồi nợ hợp pháp đạt 70 - 80% và thời gian chỉ từ 60 - 90 ngày. Trong khi, nếu sử dụng phương án khởi kiện tại tòa thì hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50% và thời gian kéo dài tới 400 ngày.

Như vậy, với các khoản nợ khó đòi, chủ nợ thường sẽ có hai hình thức để giải quyết. Một là khởi kiện ra tòa và hai là thuê một đơn vị trung gian đứng ra đòi nợ thay. Các luật sư và chuyên gia đánh giá, phương án sử dụng dịch vụ thu nợ cỏ tỷ lệ thành công cao hơn.

Thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới, hoạt động kinh doanh thu hồi nợ đã được đưa vào luật với những quy định khá rõ ràng về thời gian, địa điểm và các hình thức được phép sử dụng khi tiến hành thu nợ, để tránh ảnh hưởng đến an ninh trật tự và cuộc sống của người đi vay.

Tại Mỹ, hoạt động thu hồi nợ bị giới hạn nghiêm ngặt, thông qua Đạo luật hoạt động thu hồi nợ công bằng của Liên bang, cùng các đạo luật tương tự của mỗi bang.

Để thu hồi nợ từ người đi vay, công ty thu nợ bắt buộc phải có liên lạc trước với người đi vay thông qua điện thoại hoặc các phương tiện khác như email và tin nhắn, nhưng không được trong các giờ giấc bất thường, như từ 21h đến 8h hôm sau.

Trong vòng 5 ngày kể từ lần đầu liên lạc, đơn vị thu nợ phải gửi thông báo chính thức tới người đi vay, gồm số tiền nợ, tên người cho vay và các thủ tục cần thiết nếu người nhận thông báo cho rằng mình bị thu nợ nhầm. Thông báo này là bắt buộc, tương tự như việc cảnh sát đọc quyền lợi cho người bị bắt giữ.

Công ty thu nợ cũng bị giới hạn cách thức liên lạc với người đi vay, chẳng hạn không được gọi lại vào số điện thoại nơi làm việc nếu bị yêu cầu, hoặc có thể hỏi thông tin từ người thân nhưng không được tiết lộ về thông tin nợ.

Các quy định này cũng được áp dụng tại nhiều nước khác, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên, luật về thu hồi nợ của nước này có nới lỏng hơn về vấn đề thông tin liên lạc, cho phép công ty gửi thông báo nợ tới nhiều đối tượng liên quan của người đi vay.

Điểm chung chính của quy định tại các nước đó là đều nhằm đảm bảo hoạt động thu hồi nợ diễn ra một cách hợp lý, không xâm phạm tới quyền của người đi vay. Trong đó, các công ty thu nợ bị cấm việc đe dọa, sử dụng vũ lực hay thu giữ tài sản của người đi vay mà không được họ đồng thuận.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước