Gỡ vướng pháp lý cho nhiều dự án bất động sản

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 27/11/2024 07:58 GMT+7

VTV.vn - Chính phủ đề xuất cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải đất ở, để làm dự án nhà ở thương mại, thí điểm trong 5 năm.

Doanh nghiệp sẽ được thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất không phải đất ở để làm nhà ở thương mại. Quy định này đang được đề nghị thực hiện thí điểm trong 5 năm với hi vọng sẽ là lời giải cho "bài toán" quỹ đất xây dựng nhà ở bình dân, cân đối lại thị trường.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình bày trước Quốc hội tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Theo đó, Chính phủ đề xuất cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại, thí điểm trong 5 năm. Dự án được chọn thí điểm phải được thực hiện tại khu vực đô thị, không thuộc công trình phải thu hồi. Tổng diện tích đất ở trong các dự án thực hiện thí điểm không vượt quá 30% của phần diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất ở).

Được kỳ vọng là một cơ chế giúp gỡ vướng pháp lý cho nhiều dự án bất động sản đang đắp chiếu, ngừng trệ, cũng là cánh cửa cởi trói cho bất động sản. Nhưng làm thế nào để cơ chế này không bị méo mó trong quá trình thực thi là vấn đề cần quan tâm.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, đề xuất việc việc thí điểm cho phép doanh nghiệp được mua đất không phải đất ở để làm dự án nhà ở, sẽ giúp tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại đang bị "kẹt" vì không có yếu tố đất ở. Nếu được thông qua, hàng trăm dự án sẽ được tiếp tục triển khai, hỗ trợ tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường bất động sản.

Gỡ vướng pháp lý cho nhiều dự án bất động sản - Ảnh 1.

Đề xuất việc việc thí điểm cho phép doanh nghiệp được mua đất không phải đất ở để làm dự án nhà ở, sẽ giúp tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại đang bị "kẹt" vì không có yếu tố đất ở. Ảnh: Báo Đầu tư

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết: "Nó đều mắc ở việc không triển khai được do chính cái không có đất ở chúng ta không triển khai được. Tôi cho là nếu chúng ta kịp thời thì sẽ tháo gỡ được rất nhanh".

"Nếu dự án phù hợp với quy hoạch vùng, với quy hoạch sử dụng đất mà trong khi đó đang thuộc diện quản lý và sở hữu của doanh nghiệp thì Nhà nước nên áp dụng cho doanh nghiệp xác định tiền sử dụng đất để nộp cho Nhà nước và thực hiện các dự án thu hút được nguồn thu cho ngân sách và giải quyết được rất nhiều sự lãng phí", ông Mẫn Ngọc Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hanaka cho hay.

Trong gần 3 tháng qua, kể từ khi Luật Đất đai 2024Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực, một số tỉnh, thành, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có nhiều động thái tích cực để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đã tồn tại nhiều năm. Mới đây, 8 dự án tại TP Hồ Chí Minh đã được gỡ vướng pháp lý hoàn toàn. TP Hà Nội cũng đã tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, tìm mọi cách để sớm hoàn thành 5 dự án trọng điểm đang bị chậm tiến độ.

Luật Đất đai 2024 đã được đưa vào thực thi sớm 5 tháng. Việc gỡ vướng cho bất động sản cũng đang được thúc đẩy triển khai. Mục tiêu cuối cùng là giúp người dân có thêm quỹ nhà, không bị rủi ro khi gặp phải những dự án chậm triển khai. Hướng tới việc các khu đô thị được phát triển đồng bộ sẽ có khả năng tích hợp các yếu tố bền vững, từ đó góp phần đạt mục tiêu net-zero.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước