Tận dụng thương mại điện tử xuyên biên giới làm đòn bẩy xuất khẩu

Kate Trần-Thứ tư, ngày 27/11/2024 07:56 GMT+7

VTV.vn - Doanh nghiệp Việt rất khó để tiếp cận và triển khai ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới do có nhiều khó khăn, rào cản.

Tăng trưởng nhanh như vũ bão

Khảo sát của Bộ Công thương cho thấy, năm 2023, 53% số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử, 47% doanh nghiệp tham gia khảo sát sử dụng website hoặc ứng dụng tương tự. Đáng chú ý, 60% doanh nghiệp cho biết giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm 10-30% tổng hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên bên lề Diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024 chủ đề "Thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt”, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam hiện đang đứng "top" đầu thế giới và khu vực. Năm 2023, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam là 20,5 tỷ USD, đứng "top" 3 Đông Nam Á. Dự báo đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử đạt 45 tỷ USD. "Với sự phát triển nhanh như vũ bão, TMĐT xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế", bà Oanh nhấn mạnh.

Minh chứng, theo số liệu từ báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp nước ta đã được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và tăng 40% về số lượng đối tác bán hàng. Tổng quan, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 26% so với năm trước. 

Bên cạnh đó, báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024” do Google - Temasek công bố ngày 5/11 vừa qua cũng cho thấy, ước tính quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái. TMĐT bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet. Theo đơn vị nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam dự kiến tiếp tục ổn định nhờ vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, cũng như xuất khẩu. Đến năm 2030, giá trị giao dịch toàn thị trường (GMV) có thể dao động từ 90-200 tỷ USD.

Tận dụng thương mại điện tử xuyên biên giới làm đòn bẩy xuất khẩu - Ảnh 2.

TMĐT xuyên biên giới sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong thời gian tới

Theo ông Yap Kwong Weng- CEO Việt Nam SuperPort, hoạt động thương mại của Việt Nam dự báo tăng trưởng mạnh trong những năm tới nhờ vào các Hiệp định thương mại tự do, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và các khoản đầu tư công, tạo ra triển vọng tích cực cho TMĐT xuyên biên giới.

Trước đó, tại Diễn đàn “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững” vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài chia sẻ, với đà tăng trưởng nhanh như hiện nay, trong thời gian tới, thị trường TMĐT và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu. "Chúng ta cần tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ TMĐT xuyên biên giới phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng để làm đòn bẩy để xuất khẩu trực tuyến", ông Hoài khẳng định thêm.

Chậm chân là đánh mất cơ hội

"TMĐT xuyên biên giới giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng nhanh doanh số, nắm bắt và phản hồi nhanh đối với nhu cầu thị trường và thoát khỏi giới hạn của thị trường về quy mô, mùa vụ cũng như xây dựng và nâng cao nhận diện thương hiệu ở thị trường nước ngoài, tạo lợi thế cạnh tranh đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khác”, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh.

Chỉ ra những hạn chế nội tại của doanh nghiệp xuất khẩu trên con đường đến với TMĐT xuyên biên giới, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, các doanh nghiệp Việt đều đã ý thức được tầm quan trọng và xu thế phát triển tất yếu của TMĐT. 

Tuy nhiên, cho đến nay, doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trong việc tiếp cận, triển khai ứng dụng TMĐT xuyên biên giới. Nhất là khu vực doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ với những hạn chế như thiếu kiến thức và kỹ năng số, thiếu thông tin thị trường hay các rào cản pháp lý, thuế quan, chi phí bến bãi, kho bãi, logistics cao; Nguồn nhân lực chưa đào tạo bài bản, chưa có nghiên cứu, hiểu biết thị trường…Hơn thế nữa, những biến động của thị trường quốc tế, các căng thẳng thương mại. Cùng với đó là hạn chế tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; cùng việc đáp ứng các quy định về luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nghiêm ngặt, quy định nhập khẩu phức tạp của thị trường nước ngoài…

Do đó, "doanh nghiệp xuất khẩu Việt cần nhanh chóng vào cuộc, bước lên "sân chơi" TMĐT xuyên biên giới để tận dụng cơ hội; Tìm hiểu và tham gia sàn TMĐT uy tín, tìm đối tác bản địa để hỗ trợ logistic và chăm sóc khách hàng, nắm bắt thị hiếu, nghiên cứu kỹ quy định nước sở tại. Về lâu dài, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường và chú trọng đầu tư cho thương hiệu sản phẩm. Nếu không sớm tiếp cận TMĐT xuyên biên giới thì doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh càng cao hơn và tự đánh mất cơ hội", bà Oanh khuyến nghị doanh nghiệp.

Đáng chú ý, ngày 25/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg yêu cầu một số Bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về TMĐT. Trong đó nêu rõ, thời gian vừa qua, TMĐT phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng tất yếu của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hoạt động TMĐT xuyên biên giới...

Một trong những nội dung quan trọng Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương đó là chủ động xây dựng chính sách quản lý các giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đủ tiêu chuẩn ra thế giới.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước