Khi tham gia sân chơi quốc tế cũng có nghĩa là nông sản của chúng ta phải tuân thủ theo luật chơi chung. Thực tế này hiện đang là bài toán đau đầu với nhiều nông sản, đặc biệt là những ngành có tính bảo hộ cao như ngành mía đường.
Tỉnh Hậu Giang có hơn 10.000 ha chuyên canh mía, nhiều nhất khu vực ĐBSCL nhưng việc mới đây lãnh đạo tỉnh này phải lên tiếng kêu gọi cán bộ công chức và người dân mua ủng hộ đường sản xuất tại địa phương đã cho thấy 'vị đắng' của ngành này.
Trích dẫn trên tờ Diễn đàn Doanh nghiệp, lãnh đạo sở NN&PTNT tỉnh này còn nêu rõ hạn mức dự kiến cán bộ trong ban thường vụ tỉnh ủy sẽ mua ủng hộ 20kg/người, ban chấp hành tỉnh 10kg/người; còn cán bộ, công chức là 5kg/người; triển khai trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cho rằng nguyên nhân chính là bởi lượng hàng tồn kho quá lớn, lên tới hơn 30.000 tấn, lớn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây xuất phát từ việc ngay trong năm 2018, nhiều doanh nghiệp mua đường kỳ vọng sẽ nhập đường giá rẻ hơn từ Thái Lan theo cam kết từ hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN.
Sẽ không có gì đáng nói nếu không phải hiệp định này đã được ký kết từ 9 năm trước, nghĩa là ngành mía đường của chúng ta có 9 năm để chuẩn bị, nâng cao sức cạnh tranh, thế nhưng vào đúng giờ G toàn ngành mía đường lại vẫn trong tâm thế lúng túng, bị động.
Thời báo Kinh doanh nhấn mạnh, dù được chính phủ bảo hộ nhưng thời gian qua, giá đường của VN vẫn cao hơn nhiều so với Brazin, Thái Lan. Người tiêu dùng là DN sản xuất, hay cá nhân, đều phải mua đường với giá cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân chính tới từ việc ngành này chậm đổi mới công nghệ, nên hiện vẫn lạc hậu hơn so với các quốc gia trong khu vực.
"Không được cứu mía đường có chết không?" là câu hỏi mà tờ báo này đặt ra. Bởi 10 năm qua, ngành mía đường vẫn mãi điệp khúc kêu cứu, thậm chí là xin lùi thời gian cam kết trong khối ASEAN thêm 2-4 năm nữa. Thế nhưng, kể cả như vậy liệu có gì chắc chắn, tới khi ấy ngành mía đường Việt Nam sẽ sẵn sàng?
Chuyên gia cho rằng, nếu không cứu ngành mía đường sẽ không chết, chỉ các doanh nghiệp không chịu thay đổi kém cạnh tranh mới chết. Bởi thực tế cũng đã có những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư công nghệ và có mức giá thành cạnh tranh hơn. Như vậy, chúng ta sẽ loại trừ được những cơ thể yếu kém để ngành này tốt lên.
Báo Lao động đặt ra câu hỏi nhưng cũng chính là câu trả lời, nên chọn quyền lợi của 1 triệu người dân trồng mía hay quyền lợi của hơn 93 triệu người tiêu dùng mong muốn mua đường giá rẻ hơn? Thực tế cho thấy hội nhập là lộ trình không thể trì hoãn khi chúng ta tham gia sân chơi quốc tế. Do vậy, ngay bây giờ, ngành mía đường cần một lời giải căn cơ hơn là mãi dừng lại ở bài toán giải cứu trước mắt.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!