IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025

VTV Digital-Thứ tư, ngày 23/10/2024 12:52 GMT+7

VTV.vn - Báo cáo của IMF đã đưa ra một số điều chỉnh về dự báo tăng trưởng toàn cầu, cũng như cảnh báo về những rủi ro mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt.

IMF điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất trong năm nay và năm sau. Báo cáo của IMF đã đưa ra một số điều chỉnh về dự báo tăng trưởng toàn cầu, cũng như cảnh báo về những rủi ro mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt.

Các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay ở mức 3,2% như dự báo đưa ra vào tháng 7. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng trong năm 2025 đã bị điều chỉnh giảm 0,1 điểm % xuống còn 3,2%. Theo cơ quan này, triển vọng toàn cầu đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong trung hạn.

Bà Petya Koeva Brooks - Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: "Ở hầu hết các nước, lạm phát được kỳ vọng sẽ quay trở lại ở mức mục tiêu. Đồng thời, nền kinh tế toàn cầu vẫn khá vững vàng và chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ là 3,2% trong cả năm nay và năm sau. Tuy nhiên, thông tin không mấy tích cực là trong trung hạn, tăng trưởng có thể vẫn bị hạn chế, ở mức hơn 3,1% một chút".

IMF cảnh báo, bất chấp những tin tức tích cực về lạm phát, kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức có thể kéo lùi đà tăng trưởng, từ sự gia tăng bất ổn địa chính trị cho tới việc các quốc gia theo đuổi chính sách bảo hộ các ngành công nghiệp và người lao động trong nước.

Ông Pierre Olivier Gourinchas - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định: "Các rủi ro này bao gồm sự leo thang các cuộc xung đột khu vực đặc biệt là tại Trung Đông, có thể gây ra tác động nghiêm trọng tới thị trường hàng hóa. Các thay đổi dẫn tới những chính sách thương mại và công nghiệp không phù hợp cũng có thể làm giảm đáng kể sản lượng kinh tế. Ngoài ra, việc giảm mạnh số người di cư vào các nền kinh tế tiên tiến, có thể triệt tiêu một số sự gia tăng nguồn cung ứng lao động".

Các chuyên gia cũng dự báo, tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể đạt 3,1% trong năm nay và 3,4% trong năm 2025, cải thiện đáng kể so với mức tăng 0,8% của năm 2023. Tuy nhiên, hoạt động thương mại có thể kém hiệu quả hơn, nếu căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc tiếp tục gia tăng, kéo theo các biện pháp áp thuế quan và đáp trả.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 - Ảnh 1.

Các chuyên gia cũng dự báo, tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể đạt 3,1% trong năm nay và 3,4% trong năm 2025

Triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn

Cũng trong báo cáo này, IMF đã cập nhật dự báo triển vọng tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn. Cụ thể, dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm nay được điều chỉnh tăng từ 2,6% lên 2,8%, chủ yếu do tiêu dùng mạnh hơn dự kiến. Triển vọng tăng trưởng trong năm 2025 cũng được điều chỉnh tăng lên 2,2%.

Trong khi đó, với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay bị điều chỉnh giảm từ 5% xuống còn 4,8%, trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản vẫn còn yếu và niềm tin của người tiêu dùng xuống thấp. Dự báo tăng trưởng của năm sau vẫn được giữ ở mức 4,5%, nhưng chưa tính đến tác động của các biện pháp kích thích gần đây.

Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự báo đạt mức tăng trưởng nhẹ trong năm nay và năm tới, do các nền kinh tế lớn như Đức và Italy gặp nhiều khó khăn. Ở chiều ngược lại, Ấn Độ tiếp tục là điểm sáng với mức tăng trưởng dự kiến mạnh nhất trong số các nền kinh tế lớn là 7% vào năm nay và 6,5% vào năm sau.

Thị trường tài chính cần cảnh giác với biến động địa chính trị

Bên cạnh các dự báo về tăng trưởng, IMF cũng công bố Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu. Các chuyên gia, một mặt đưa ra những đánh giá tích cực về triển vọng ngắn hạn, nhưng đồng thời cũng cảnh báo về những rủi ro liên quan đến biến động địa chính trị.

Các chuyên gia của IMF nhận định, thị trường tài chính và ngân hàng toàn cầu nhìn chung đang khá ổn định, với mức biến động thấp, trong bối cảnh các ngân hàng Trung ương bắt đầu nới lỏng lãi suất sau khi đưa lạm phát về gần mức mục tiêu. Triển vọng hạ cánh mềm của nền kinh tế và những tiến triển trong kiềm chế lạm phát đang giúp kiềm chế rủi ro tài chính trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo, đang có một sự mất kết nối giữa những bất ổn ngày càng gia tăng và sự biến động tương đối thấp trên thị trường tài chính. Việc thị trường đánh giá thấp những rủi ro bắt nguồn từ các đợt xung đột quân sự và các cuộc bầu cử sắp diễn ra, là điều đáng lo ngại, bởi nó làm gia tăng khả năng xảy ra những sự biến động lớn và đột ngột, tương tự như hồi tháng 8 sau khi Nhật Bản tăng lãi suất.

Ông Tobias Adrian - Cố vấn tài chính, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nêu ý kiến: "Những căng thẳng trên thị trường tài chính vào tháng 8 vừa qua đã cho thấy những phản ứng dữ dội có thể xảy ra khi sự bất ổn và biến động hội tụ. Giá tài sản có thể giảm mạnh khi các nhà đầu tư dịch chuyển nguồn vốn từ các tài sản rủi ro sang các tài sản an toàn hơn. Ngoài ra, việc nới lỏng các điều kiện tài chính thông qua mức lãi suất thấp hơn cũng kéo căng định giá tài sản ở một số phân khúc, làm gia tăng nợ và đòn bẩy tài chính phi ngân hàng. Những yếu tố này làm tăng khả năng xảy ra rủi ro với ổn định tài chính trong tương lai".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước