Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2024 với chủ đề: “Xây dựng một tương lai bền bỉ cho Việt Nam.”
Đây là lần thứ hai Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam (Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp) được tổ chức với mục tiêu kết nối các nhà đầu tư, các lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và phi chính phủ trong và ngoài nước. Hội nghị hướng đến việc thúc đẩy các dự án môi trường, xã hội, và quản trị doanh nghiệp (ESG), từ đó xây dựng một tương lai Việt Nam bền bỉ, hòa nhập và thịnh vượng.
Điểm nổi bật của Hội nghị năm nay là hoạt động Kết nối Doanh nghiệp (Networking and Business Matching) – mở ra cơ hội hợp tác tiềm năng giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Ông Hảo Trần, CEO của Vietcetera, chia sẻ: "Với chủ đề "Xây dựng một tương lai bền bỉ cho Việt Nam", hội nghị đã tập trung vào các câu hỏi then chốt về những thách thức và giải pháp cho tương lai của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu như: Làm thế nào để tạo ra hệ sinh thái bền vững gắn kết cộng đồng, chính phủ, hệ thống tài chính và cấu trúc xã hội? Làm thế nào để thúc đẩy trách nhiệm của doanh nghiệp, các chủ thể kinh tế và cộng đồng trong các hoạt động vì con người và hành tinh? Trong hai ngày vừa qua, hội nghị đã mang đến những cuộc đối thoại sâu sắc, góp phần cho hành trình cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội."
Ngoài ra, bà Van Ly, Đối tác tại Raise Partners, nhấn mạnh: "ESG hiện không chỉ được xem là một phần của CSR hay hoạt động tiếp thị nhằm xây dựng hình ảnh doanh nghiệp. Giờ đây, ESG đã trở thành một yếu tố quan trọng trong hoạt động kinh doanh, quan hệ đối tác pháp lý, hệ thống chứng nhận và tiêu chí đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động củng cố chính sách ESG để đáp ứng yêu cầu quốc tế, từ đó mở ra cánh cửa cho sự tăng trưởng và mở rộng. Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam ra đời với sứ mệnh lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của hoạt động kinh doanh có tác động mạnh mẽ như một kim chỉ nam hướng đến tương lai bền bỉ."
Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 (net-zero), chấm dứt phá rừng vào năm 2030 và giảm thiểu khí nhà kính. Để thực hiện những cam kết này, Việt Nam cần nguồn vốn đầu tư lên đến 368 tỷ USD cũng như thúc đẩy các hoạt động quan hệ đối tác công – tư.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và các cơ quan chính phủ nước ngoài đã có những công cụ hỗ trợ tài chính để thực hiện hóa các sáng kiến năng lượng tái tạo và đẩy nhanh triển khai các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút đầy đủ nguồn vốn xanh và thúc đẩy hiệu quả các dự án, cần có các chính sách và định hướng chiến lược rõ ràng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!