Không có chuyến bay để vận chuyển, các doanh nghiệp đang phải tạm dừng xuất khẩu rau quả sang Nga, dù đây là 1 trong 10 thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam.
Trong các loại nông sản, quả dứa đã qua chế biến của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nga, Ukraine và các nước châu Âu. Cây dứa hiện đang được nhiều tỉnh trồng. Đơn cử như huyện Mường Khương, Lào Cai đến thời điểm này có gần 1.400 ha; trong đó, diện tích cho thu hoạch từ nay đến tháng 5 là gần 400 ha. Thời tiết nắng như hiện nay, quả dứa sẽ nhanh chín hơn và việc thu mua cũng đòi hỏi gấp gáp hơn.
Thủ phủ của quả dứa Lào Cai là tại xã Bản Lầu. Từ nay đến tháng 5, sản lượng thu hoạch ước vào khoảng 8.500 tấn. Gần 1 tuần trở lại đây, việc mua dứa được kết nối trở lại, nhưng giá khá thấp.
Huyện Mường Khương, Lào Cai đến thời điểm này có gần 1.400 ha dứa; trong đó, diện tích cho thu hoạch từ nay đến tháng 5 là gần 400 ha. (Ảnh: VOV)
Ngoài cung ứng dứa cho thị trường bán lẻ các tỉnh phía Bắc, Hợp tác xã (HTX) Thịnh Phong - đơn vị thu mua chính tại Bản Lầu, cũng đang nỗ lực đưa dứa vào các siêu thị để nâng cao giá bán đối với những quả dứa chọn.
'"Tôi cũng tìm đường đi vào siêu thị nhưng đòi hỏi của siêu thị cũng cao. Thủ tục cầu kỳ hơn. Ví dụ như bán cho các đầu mối thì chỉ nhìn mặt hàng là ok, nhưng bán vào siêu thị cần mã vùng trồng, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc", bà Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc HTX Thịnh Phong, huyện Mường Khương, Lào Cai, cho biết.
"Tới đây, xã tiếp tục cùng với HTX cũng như các sở, ngành tiếp tục chào mời các công ty, đầu mối các tỉnh thu mua cho bà con nông dân", ông Nguyễn Văn Mão, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, Lào Cai, cho hay.
Ngoài Mường Khương, hiện các vùng trồng dứa khác trên địa bàn Lào Cai như Bảo Thắng, Bát Xát cũng đã bước vào vụ thu hoạch.
Theo thống kê từ các địa phương, sản lượng dứa của Lào Cai gần 42.000 tấn. Chính vụ từ nay đến hết tháng 5 vào khoảng 35.000 tấn. Bà con nông dân cho biết, nếu bán dứa tại nương ở mức khoảng 4.000 đồng/kg mới có thể hòa vốn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ tiếp tục gây ra những ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu rau quả sang thị trường Nga.
Trong 2 tháng đầu năm nay, trị giá xuất khẩu rau quả sang Nga đạt gần 10 triệu USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng từ tháng 3 sẽ giảm mạnh và chưa biết thời điểm phục hồi. Trước thực tế này, hiện doanh nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp để giảm thiệt hại và có hướng đi mới về thị trường.
Doanh nghiệp chủ động giải pháp thị trường
Hiện tất cả sản lượng dứa của tỉnh Lào Cai đã được Công ty cổ phần thực phẩm Đồng Giao, Ninh Bình hỗ trợ tiêu thụ cho đến hết vụ, không hạn chế sản lượng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 200 tấn được chở về nhà máy chế biến. Trong khi các doanh nghiệp chỉ tập trung làm sản phẩm dứa đồ hộp cho thị trường Nga, việc doanh nghiệp này đa dạng sản phẩm từ dứa và có thị trường ở 50 nước là cơ sở để giải quyết những khó khăn hiện nay.
Còn với Công ty TNHH XNK Thực phẩm Duy Anh, khi hàng hóa không xuất khẩu được do xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, ngay lập tức những lô hàng đang sản xuất đã được thay mẫu mã đóng gói xuất sang thị trường khác.
Doanh nghiệp Việt Nam chế biến dứa xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
Sự chủ động của doanh nghiệp sẽ góp phần giảm thiểu những rủi ro khi hiện nay một số ngân hàng Nga đã bị cấm giao dịch quốc tế sẽ gây ảnh hưởng đến dòng tiền thanh toán cho doanh nghiệp xuất khẩu rau quả.
Tuy nhiên 2 tháng đầu năm, tác động tổng thể đến ngành rau quả không cao do hiện nay tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Nga chỉ chiếm gần 2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cần xác định tiếp tục duy trì thị trường Nga
Cùng với rau quả, hiện Nga cũng là thị trường của nhiều nông sản khác. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, kim ngạch nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Nga đạt khoảng 550 triệu USD. Trong đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu đáng kể như thủy sản khoảng 164 triệu USD, cà phê 173 triệu USD, điều 60 triệu USD.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Nga và Ukraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước.
"Nếu không xuất khẩu được sang thị trường Nga, mình có thể đưa đi thị trường khác, đó cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, thị trường nào có khách hàng của thị trường đó. Ví dụ, nếu chuyển sang thị trường khác như Mỹ, người ta sẽ phải mất nhiều thời gian, có thể phải làm lại từ đầu. Các doanh nghiệp đang xuất khẩu sang thị trường Nga nên bám sát, theo dõi thị trường để có những quyết định đúng, tránh thiệt hại. Mình xác định không thể bỏ thị trường Nga vì đây là một trong những thị trường đa dạng, không quá khó tính", Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình nhận định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội ngành hàng và Ngân hàng Nhà nước để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho lượng hàng đã xuất đi.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ làm việc với các hiệp hội ngành hàng như Hiệp hội Rau quả, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Điều, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam… để tìm giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!