"Hộ chiếu vaccine" không chỉ đóng vai trò kích thích giao thương quốc tế mà còn được kỳ vọng sẽ khôi phục các hoạt động kinh tế trong nước của Nhật Bản. Ảnh minh họa - Reuters
Bắt đầu từ ngày 26/7, Nhật Bản đã chính thức triển khai hộ chiếu vaccine COVID-19 hay còn gọi là giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19. Theo đó, "hộ chiếu vaccine" được kỳ vọng sẽ giúp giảm các thủ tục xuất nhập cảnh hiện nay, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh, thương mại quốc tế.
Quyết định triển khai "hộ chiếu vaccine" được cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản hưởng ứng mạnh mẽ nhất, hầu hết các doanh nghiệp tại Nhật đều coi "hộ chiếu vaccine" là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay trong việc cân bằng giữa phòng chống phòng chống dịch bệnh và thúc đẩy các hoạt động kinh tế.
Báo Yomiuri cho biết, kỳ vọng cao nhất đối với "hộ chiếu vaccine" chính là các doanh nghiệp trong ngành du lịch và hàng không, những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19.
Báo này trích phát biểu của ông Eijiro Yamakita - Chủ tịch Tập đoàn du lịch JTB - một trong những tập đoàn du lịch lớn nhất của Nhật Bản cho biết, "hộ chiếu vaccine" sẽ phát huy hiệu quả trong việc nối lại hoạt động đi lại giữa các quốc gia, do đó với hộ chiếu vaccine ngành du lịch sẽ có triển vọng phục hồi.
Trên báo Nikkei, ông Ken Kobayashi - Chủ tịch Tập đoàn Mitsubishi, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Nhật Bản cho biết, từ quan điểm của những nhà kinh doanh, điều lý tưởng nhất trong bối cảnh hiện nay là có thể tự do đi lại với "hộ chiếu vaccine".
Hiện việc cách ly 14 ngày khi trở về đang là trở ngại đối với tất cả những người đi ra nước ngoài, nếu có thể giảm bớt những hạn chế này với "hệ thống hộ chiếu vaccine", các hoạt động kinh tế quốc tế có thể khôi phục trở lại.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Nagasaki, Nhật Bản. (Ảnh minh họa: AP)
Trên trang tin Yahoo News, Liên đoàn kinh tế Nhật Bản Keidanren cho rằng "hộ chiếu vaccine" không chỉ đóng vai trò kích thích giao thương quốc tế mà còn được kỳ vọng sẽ khôi phục các hoạt động kinh tế trong nước đang trong giai đoạn suy thoái bởi dịch bệnh COVID-19.
Để hộ chiếu có thể phát huy tối đa hiệu quả, góp phần khôi phục hoạt động kinh tế và thương mại quốc tế, điều quan trọng nhất là tạo sự thông suốt trong hệ thống "hộ chiếu vaccine" COVID-19 toàn cầu, để làm được điều này Nhật Bản cũng như các nước cần công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau.
Cũng theo trang tin Yahoo news, "hộ chiếu vaccine" của Nhật Bản hiện được công nhận ở 5 nước gồm Italy, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Ba Lan. Ngoài 5 nước nêu này, Hàn Quốc cũng chấp nhận "hộ chiếu vaccine" của Nhật Bản như một loại giấy tờ cần thiết để xem xét miễn cách ly sau khi nhập cảnh vào nước này.
Nhật Bản đang xúc tiến đàm phán với các quốc gia khác nhằm đạt được sự công nhận rộng rãi từ các nước đối với "hộ chiếu vaccine" của Nhật Bản, tuy nhiên các vấn đề về chủng loại vaccine khác nhau sẽ là một trở ngại lớn trong tiến trình đàm phán này.
Hiện Nhật Bản đang trao đổi và đề nghị hơn 10 quốc gia trên thế giới công nhận "hộ chiếu vaccine" COVID-19 của nước này, đồng thời cũng sẽ chuyển đổi từ hộ chiếu bằng giấy sang hộ chiếu điện tử để sử dụng tiện lợi hơn. Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng, hộ chiếu vaccine sẽ góp phần làm giảm gánh nặng thủ tục nhập cảnh, thúc đẩy hoạt động kinh tế quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!