Sân vận động quốc gia Tokyo - nơi diễn ra lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 (Nguồn: Reuters)
Các doanh nghiệp nhỏ bi quan
Cửa hàng mì ramen Hope-ken của ông Ushikubo Hideaki nằm ngay trước cửa sân vận động quốc gia Tokyo – nơi diễn ra lễ khai mạc Olympic. Từ nhiều tháng trước khi Olympic diễn ra, ông đã lên kế hoạch kỹ lưỡng, để đón tiếp các du khách nước ngoài tới Tokyo. Những tờ thực đơn in bằng 6 thứ tiếng đã được chuẩn bị.
Những thực đơn bằng nhiều thứ tiếng tại quán mì Hope-ken để chuẩn bị cho Olympic (Nguồn: NHK)
Thế nhưng giờ đây, mọi hy vọng của ông chủ quán mì với cái tên mang ý nghĩa "Mái nhà hy vọng" đã hoàn toàn tan biến, khi Olympic phải diễn ra mà không có sự tham dự của các khán giả nước ngoài. "Điều này thật đáng thất vọng, nhưng tôi cũng chẳng thể làm gì cả", ông Ushikubo chia sẻ.
Ông Ushikubo Hideaki - chủ quán mì Hope-ken giờ chỉ còn biết trông đợi vào lượng khách hàng ít ỏi từ Olympic (Nguồn: AP)
Ông chủ quán mì, giờ đây chỉ có thể mong đợi, sẽ tiếp tục được phục vụ khách hàng trong suốt thời gian diễn ra Olympic. Các biện pháp hạn chế đi lại, sẽ khiến ít người lui tới khu vực này hơn, tuy nhiên, ông tin rằng, biển hiệu của cửa hàng vẫn có thể thu hút một số người nào đó. "Nếu họ biết ở đây có một cửa hàng mì ramen ngon, hoặc nhìn thấy biển hiệu của chúng tôi, thế cũng là đủ rồi."
Theo NHK, tại các cửa hàng đồ lưu niệm chính thức của Olympic 2020 ở trung tâm thủ đô Tokyo, doanh thu khá ảm đạm, khi lượng khách hàng tìm tới đây là không nhiều. Một quản lý cửa hàng từng tham gia bán hàng trong các sự kiện thể thao lớn tổ chức tại Nhật Bản như Olympic Nagano 1998 hay World Cup 2002 cho biết sự hào hứng của khách hàng tại giải đấu lần này kém hơn rất nhiều do đại dịch COVID-19. Các cửa hàng chỉ kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ tăng lên khi các vận động viên Nhật Bản giành được thành tích tốt.
Không khí mua sắm ảm đạm tại các cửa hàng chính thức của Olympic 2020 (Nguồn: NHK)
Cũng rơi vào tình cảnh hụt hẫng như vậy là các doanh nghiệp tại khu du lịch suối nước nóng Tsuchiyu Onsen Machi, tỉnh Fukushima. Sau quãng thời gian bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp giờ đây tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn khi hoạt động kinh doanh chỉ bằng 50% so với thông thường, và các sự kiện Olympic được tổ chức tại đây sẽ không mang lại nhiều du khách như kỳ vọng.
Các khu nghỉ dưỡng suối nước nóng tại Tsuchiyu Onsen Machi, tỉnh Fukushima sẽ tiếp tục vắng khách trong thời gian diễn ra Olympic (Nguồn: Reuters)
Ông Kazuya Ikeda – chủ tịch hiệp hội du lịch suối nước nóng địa phương cho biết, mặc dù không có khả năng một lượng lớn du khách sẽ đổ tới đây, các doanh nghiệp địa phương vẫn trông đợi vào những lợi ích kinh tế mà các hãng truyền thông nước ngoài, vận động viên và quan chức thể thao có thể mang tới cho thị trấn. Dẫu vậy, ý tưởng về một sự phục hồi kinh tế từ Olympic đã toàn toàn tan biến với người dân Fukushima. "Dịch bệnh đang lây lan khắp thế giới, và sẽ rất khó để có thể vượt qua vào thời điểm hiện tại."
Tâm lý bi quan của các doanh nghiệp Nhật Bản là điều ít ai nghĩ đến khi nước này giành quyền đăng cai Olympic 2020. Ban tổ chức từng ước tính, sẽ có một lượng lớn du khách nước ngoài đến Nhật Bản để thưởng thức các trận thi đấu và đi du lịch – những người sẽ chi gần 2 tỷ USD cho các bữa ăn, phương tiện đi lại, khách sạn và hàng hóa. Những gì diễn ra trong 17 ngày của Olympic sẽ tiếp tục thúc đẩy nhiều du khách khác kéo tới Nhật Bản sau khi sự kiện kết thúc, mang lại thêm nhiều tỷ USD nữa.
Giờ đây, dịch bệnh tiếp tục bùng phát và một kỳ Olympic không khán giả, đang khiến thái độ của mọi người thay đổi hoàn toàn. Bà Yoshiko Tobe đã chi ra hơn 1 triệu USD để cải tạo khu nhà trọ kiểu truyền thống của mình ở gần Asakusa hồi năm 2019, với hy vọng du khách đến đây tham dự Olympic sẽ giúp bà thu hồi vốn và kiếm lời. Tuy nhiên, mới đây, bà Tobe cho biết "Chúng ta có thể tốt hơn nếu không có Olympic. Ít nhất điều đó sẽ loại bỏ một yếu tố nguy cơ lây lan dịch bệnh." Không chỉ bà Tobe, một khảo sát mới đây của báo Mainichi cho thấy, gần 2/3 số người Nhật được hỏi không mong muốn Olympic diễn ra theo kế hoạch.
Các công ty lớn chùn bước
Chỉ ít ngày trước khi Olympic khai mạc, Toyota – công ty lớn nhất Nhật Bản và cũng là 1 trong 13 nhà tài trợ chính của giải đấu đã xác nhận sẽ ngừng mọi quảng cáo truyền hình liên quan đến sự kiện này tại Nhật Bản, trong bối cảnh người dân địa phương không ủng hộ Thế vận hội.
"Đúng là Toyota sẽ không tham dự lễ khai mạc và quyết định được đưa ra dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả việc không có khán giả đến sân. Chúng tôi sẽ không phát sóng bất kỳ quảng cáo nào liên quan đến Thế vận hội ở Nhật Bản", Reuters trích phát biểu của ông Akio Toyoda – giám đốc điều hành Toyota Motor hôm 20/7.
Toyota tuyên bố ngừng mọi quảng cáo truyền hình liên quan tới Olympic tại Nhật Bản (Nguồn: Reuters)
Khoảng 60 tập đoàn của Nhật Bản đã chi hơn 3 tỷ USD để tài trợ cho Olympic Tokyo 2020, một con số kỷ lục đối với các nhà tài trợ chủ nhà của bất kỳ giải đấu Olympic nào. Tuy nhiên, lúc này, Toyota cũng như các tập đoàn đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc có nên gắn các thương hiệu của họ với một sự kiện cho đến nay vẫn chưa giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng hay không? Ngoài Toyota, lãnh đạo của các tập đoàn lớn như Panasonic, NTT, Fujitsu, NEC và Keidanren… cũng đã từ chối tham gia lễ khai mạc.
Ông Masa Takaya - phát ngôn viên Ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020 cũng phải thừa nhận tình hình khó khăn của các doanh nghiệp. "Tôi biết rằng các đối tác và nhà tài trợ đã phải gặp rất nhiều khó khăn khi ủng hộ Olympic Tokyo 2020. Giải đấu đã phải lùi một năm và có rất nhiều cam go, thử thách".
Giám đốc điều hành công ty Suntory, ông Takeshi Niinami chia sẻ với CNN Business rằng công ty của ông đã quyết định không trở thành nhà tài trợ cho Olympic Tokyo 2020, bởi cái giá phải bỏ ra là "quá đắt". "Chúng tôi đã nghĩ đến việc trở thành đối tác của Olympic ... nhưng bối cảnh kinh tế không phù hợp", giám đốc hãng đồ uống khổng lồ Nhật Bản với các thương hiệu như Orangina và rượu Jim Beam cho biết.
Giám đốc điều hành công ty Suntory, ông Takeshi Niinami khẳng định Olympic không khán giả sẽ khiến các doanh nghiệp Nhật Bản gặp nhiều khó khăn (Nguồn: CNN)
Theo ông Niinami, quyết định cấm khán giả tham gia cổ vũ tại Olympic Tokyo đã khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các kế hoạch kinh doanh. Thay vì tăng doanh thu khoảng 10% từ các sự kiện thể thao, giờ đây, "thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn."
Chia sẻ quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Takahide Kiuchi tại Viện nghiên cứu Nomura cho biết "phần lớn lợi ích kinh tế dự kiến từ Thế vận hội Tokyo đã tiêu tan, khi khán giả nước ngoài bị cấm đến Nhật Bản" - một động thái mà ông Kiuchi dự đoán sẽ gây ra thiệt hại kinh tế 1,4 tỷ USD. Cộng thêm với việc thiếu vắng các cổ động viên trong nước, nền kinh tế Nhật Bản có thể sẽ phải hứng chịu thêm mức thiệt hại là 146,8 tỷ yên (1,3 tỷ USD).
Những tác động kinh tế trong dài hạn
Như với hầu hết các kỳ Thế vận hội, ngân sách cho Thế vận hội Tokyo tăng vọt so với dự kiến ban đầu. Ngân sách chính thức là 15,4 tỷ USD nhưng các kiểm toán viên của chính phủ Nhật Bản cho biết tổng chi tiêu đã lên tới 20 tỷ USD, tức là cao gần gấp ba so với dự báo ban đầu khoảng 7,4 tỷ USD.
Trong khi những lợi ích ngắn hạn là gần như không thể đạt được, nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế lớn thứ hai châu Á có thể kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực trong dài hạn, đặc biệt là khi Olympic thành công tốt đẹp và an toàn.
Ông Takahide Kiuchi, nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Nomura, cho biết vẫn còn một khoản tiền tiềm năng từ những người ở nước ngoài, những người sẽ xem Thế vận hội Tokyo và có thể quyết định đến thăm Nhật Bản sau đại dịch. "Các nhà hàng và khách sạn đã cải tạo cơ sở vật chất để chào đón người nước ngoài sẽ không bị lãng phí. Các sân vận động và đấu trường Olympic cuối cùng cũng sẽ có các sự kiện với khán giả", ông nói.
Một kỳ Olympic thành công được dự báo sẽ thu hút du khách nước ngoài tới Nhật Bản sau đại dịch (Nguồn: Kyodo News)
Quan trọng hơn, Olympic Tokyo 2020 được cho là sẽ đóng vai trò một gói kích thích kinh tế lớn, tương tự như những gì đã diễn ra tại Olympic Tokyo 1964. Chính nhờ việc đăng cai tổ chức Olympic năm đó, Nhật Bản đã đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm tuyến đường sắt cao tốc nổi tiếng Shinkansen, tuyến đường cao tốc từ sân bay quốc tế Haneda tới khu vực trung tâm Tokyo, hay tuyến đường nối giữa Osaka và Nagoya. Các hệ thống cơ sở hạ tầng mới này đã góp phần tạo ra bước nhảy thần kỳ cho nền kinh tế Nhật Bản trong vài thập niên sau đó.
Lễ khánh thành tuyến đường sắt cao tốc Shinkansen tại Tokyo, tháng 10/1964 (Nguồn: The Conversation)
Những sự đầu tư tương tự để chuẩn bị cho giải đấu lần này cũng được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực tương tự. Bên cạnh đó, với việc chi phí xây dựng tại Tokyo tăng cao, ban tổ chức đã chuyển một số sự kiện thi đấu thể thao tại Olympic đến các địa phương khác, vừa giúp giảm thiểu chi phí, nhưng đồng thời cũng tăng cường đầu tư tại các khu vực. Ví dụ rõ nét nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng tại thành phố Izu – cách Tokyo 200 km về phía Tây đã được cải thiện đáng kể, bởi đây là nơi tổ chức môn đua xe đạp.
Tuy vậy, với nhiều người Nhật Bản, Olympic cũng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ trở thành một sự kiện siêu lây nhiễm, mang đến rủi ro sức khỏe và kinh tế to lớn. Nếu dịch bệnh bùng phát và vượt ngoài tầm kiểm soát, quốc gia Đông Á này sẽ cần tới một chặng đường dài hơn để phục hồi, và tiêu tốn thêm nhiều tiền bạc để khắc phục hậu quả.
Nguồn: WSJ, Reuters, AP, NHK, The Conversation
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!