Hàng Việt xuất khẩu sang Hoa Kỳ đối mặt nhiều thử thách mới

Kate Trần-Thứ ba, ngày 26/11/2024 11:09 GMT+7

VTV.vn - Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp nhiều mặt hàng xuất khẩu gặp "nạn" tại thị trường Hoa Kỳ. Để tránh những rủi ro, doanh nghiệp cần có những chiến lược thích ứng.

Nhiều mặt hàng xuất chủ lực gặp "nạn"

Tính đến hết tháng 10/2024, đã có 267 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (146 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (54 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (38 vụ việc) và chống trợ cấp (29 vụ việc).

Theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Hoa Kỳ hiện là nước đứng đầu trên thế giới về việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, cũng là nước điều tra, áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam. Đến nay, quốc gia này đã tiến hành điều tra 64 vụ trên tổng số 267 vụ việc nước ngoài điều tra với nước ta (chiếm 25%), bao gồm 28 vụ việc chống bán phá giá, 11 vụ việc chống trợ cấp, 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế và 03 vụ việc tự vệ.

Mới đây nhất, ngày 20/11, Hoa Kỳ ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với 2 sản phẩm là xơ sợi staple nhân tạo từ polyeste và vỏ viên nhộng cứng nhập khẩu.

Trong đó, đối với xơ sợi staple nhân tạo từ polyeste, biện pháp tự vệ được áp dụng dưới dạng hạn ngạch nhập khẩu trong 4 năm, với hạn ngạch nhập khẩu ở mức 0 trong năm đầu tiên và tăng thêm một triệu pound trong mỗi ba năm tiếp theo. Hoa Kỳ dự định sẽ tiến hành rà soát giữa kỳ biện pháp trước khi kết thúc năm thứ hai và dự kiến hoàn thành ​​không muộn hơn thời điểm giữa kỳ của biện pháp. Quyết định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 23/11/2024.

Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC), trong giai đoạn 2021-2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam sang Hoa Kỳ xấp xỉ 5,9 triệu USD (riêng năm 2023 là 5,2 triệu USD. Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nước xuất khẩu sang Hoa Kỳ và chiếm 3% tổng thị phần nhập khẩu.  Do đó, Việt Nam không nằm trong danh sách một số nước được loại trừ áp dụng biện pháp. Trước đó, năm 2017, sản phẩm này đã bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá với Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam.

Đối với vỏ viên nhộng cứng, Việt Nam bị đề nghị điều tra cả chống bán phá giá và chống trợ cấp. Thời kỳ điều tra chống bán phá giá từ tháng 4/2024 đến tháng 9/2024. Thời kỳ điều tra chống trợ cấp là năm 2023. Thời kỳ điều tra thiệt hại từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2024. Nguyên đơn dẫn chứng, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng từ Việt Nam trong năm 2023 là khoảng 26 triệu USD.  Theo số liệu của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC), lượng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 12% tổng lượng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra vào Hoa Kỳ. Biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam từ 63,53% đến 86,04%.

Hồi cuối tháng 10, tôm Việt gặp "hạn" khi DOC quyết định thuế với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam là 2,84%. Bên cạnh đó, có một doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam bị áp đặt mức thuế nhập khẩu 221,82%. Tôm Việt hiện đứng thứ ba về kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, năm 2023 đạt 665 triệu USD.

Trước đó, vào tháng 8, DOC quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam với biên độ phá giá bình quân gia quyền lên đến 58,24%. Năm 2012, sản phẩm này đã bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá và áp thuế vào năm 2013, mức thuế từ 51,54% - 58,54%. Cũng trong tháng 8, Hoa Kỳ rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá lần hai đối với mật ong Việt Nam…

Doanh nghiệp xuất khẩu phải làm gì?

Hàng Việt xuất khẩu sang Hoa Kỳ đối mặt nhiều thử thách mới - Ảnh 2.

Thép là một trong những mặt hàng bị áp thuế phòng vệ nhiểu nhất tại Hoa Kỳ. Ảnh: Kate Trần

Theo các chuyên gia thương mại, hiện rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta vào Hoa Kỳ có thị phần lớn, mà càng có thị phần lớn thì nguy cơ xảy ra các vụ kiện hay tranh chấp thương mại càng dễ xảy ra. Vì vậy, bên cạnh việc kiểm soát tốt chất lượng, các doanh nghiệp Việt cần luôn linh hoạt thích ứng, có những kịch bản cho nhiều tình huống rủi ro xảy ra.

Trao đổi với phóng viên VTV Times, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị, đối với các sản phẩm đã và đang bị điều tra áp thuế, doanh nghiệp cần chủ động cập thật thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến của vụ việc. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự, thủ tục điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ. Về lâu dài, các sản phẩm hiện đang xuất khẩu chủ đạo vào thị trường này cần có chiến lược đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ.

"Tất cả các doanh nghiệp hiện có sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cần thường xuyên theo dõi và chú ý đến các chính sách định giá để tránh vi phạm quy tắc chống bán phá giá của thị trường này. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú ý đến yếu tố về đề xuất xứ hàng hóa để đảm bảo đúng quy định", ông Hiếu nhấn mạnh.

Lưu ý doanh nghiệp về việc này, ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, doanh nghiệp Việt cần hạn chế việc cạnh tranh bằng giá và chú trọng tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, chú trọng nghiên cứu, hiểu về các nguyên tắc quy trình, thủ tục điều tra phòng vệ thương mại; theo dõi thông tin cảnh báo; chủ động đăng ký tài khoản IA ACCESS tại cổng thông tin điện tử của DOC để cập nhật thông tin liên quan.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước