Giá vàng trong nước giảm
Cụ thể, tại thời điểm 9 giờ 00 phút, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức ở mức 84,6 - 86,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 200.000 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá vàng miếng SJC ở mức 84,6 - 86,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 200.000 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Tương tự vàng SJC, giá vàng nhẫn cũng giảm nhẹ. Theo đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC công bố giá vàng nhẫn ở mức 84,5 - 85,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn ở mức 85,2 - 86,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Giá vàng thế giới tăng trở lại
Kim loại màu vàng thế giới bước vào năm mới với tín hiệu lạc quan
Trên thị trường thế giới, trong phiên giao dịch cuối tuần 10/1, giá vàng thế giới tăng trở lại nhờ lo ngại về các chính sách kinh tế của Chính phủ sắp tới của Mỹ làm tăng sức hấp dẫn của các loại tài sản an toàn, bất chấp dữ liệu việc làm mạnh hơn dự kiến. Giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 2.686,24 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn tại Mỹ tăng 0,9% và đóng cửa ở mức 2.715 USD/ounce.
Trong phiên này, giá vàng đã có lúc giảm xuống mức 2.663,09 USD/ounce sau khi dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo thêm 256.000 việc làm trong tháng 12/2024, vượt xa dự báo 160.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức 4,1% trong tháng 12/2024, cũng thấp hơn so với dự báo 4,2%. Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng quay lại đà tăng, đưa giá vàng thế giới chạm mức cao nhất kể từ ngày 12/12, ghi nhận mức tăng hàng tuần hơn 1,7%.
Trưởng phòng nghiên cứu hàng hóa và kinh tế vĩ mô Nitesh Shah của WisdomTree Europe đánh giá, vàng là một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư tuyệt vời vì nó cho phép các nhà đầu tư cải thiện lợi nhuận trong khi vẫn kiểm soát rủi ro hiệu quả.
"36% trong số 800 nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia khảo sát cho biết 'đa dạng hóa' là lý do chính khiến họ nắm giữ vàng", ông nói.
"Phân tích của chúng tôi cho thấy vàng có mối tương quan thấp với cả cổ phiếu và trái phiếu, do đó, sẽ đóng góp mạnh mẽ vào nỗ lực đa dạng hóa".
Shah chỉ ra rằng, vàng hoạt động rất khác so với các tài sản khác.
"Một mặt, vàng là tài sản phòng thủ, thường cạnh tranh với trái phiếu như một nơi trú ẩn an toàn trước sự biến động của thị trường nói chung. Mặt khác, vàng còn mang đặc điểm chu kỳ vì kim loại quý này tăng trong thời kỳ lạm phát, thường xảy ra trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh. Tính hai mặt này của vàng giúp giải thích mối tương quan thấp của vàng với các tài sản truyền thống".
35% số người trả lời khảo sát cho biết "phòng ngừa lạm phát" là lý do phổ biến thứ hai để nắm giữ vàng, tiếp theo là "phòng ngừa biến động thị trường tài chính" (31%) và "phòng ngừa biến động địa chính trị" (27%).
Shah nói rằng, các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã đúng khi coi vàng là một hàng rào chống lại lạm phát, biến động thị trường tài chính, căng thẳng kinh tế và bất ổn địa chính trị. Theo ông, dù một số rủi ro này có thể không phải là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư hiện nay, nhưng việc phòng ngừa rủi ro tiềm ẩn leo thang vẫn rất cần thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!