Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, biến động bất lợi của giá gạo sẽ không ảnh hưởng lớn, nhất là khi doanh nghiệp xuất khẩu và ngành chức năng đã chủ động giải pháp ổn định thu mua dự trữ hợp lý nguồn lúa gạo, nguyên liệu trong dân.
Giá gạo xuất khẩu liên tục sụt giảm. Nhiều sản phẩm gạo xuất khẩu chủ lực trước đây hiện giảm mạnh cả trăm USD mỗi tấn so với hồi cuối năm 2024. Gạo 5% tấm cũng giảm xuống chỉ còn 473 USD/tấn.
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo cũng như bỏ thuế xuất khẩu, cộng với nhiều tác động thực tế khách quan, đã khiến ngành hàng lúa gạo rơi vào thực trạng cung vượt cầu.
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ĐBSCL đánh giá: "Các quốc gia nhập khẩu như Philippines, Trung Quốc họ đang nghỉ Tết, dẫn đến nguồn cầu của thị trường giảm đi. Trong khi nguồn cung tới mùa thu hoạch thì chúng ta cung ứng dồi dào và điều này đã làm cho giá gạo giảm xuống. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là tín hiệu thị trường rất là bình thường".
Giá gạo xuất khẩu 3 tuần này đang sụt giảm mạnh, thấp nhất trong 2 năm qua. Ảnh minh họa.
Khác với lệ thường, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được đơn hàng đầu năm. Dù vậy, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV vẫn duy trì chế biến, cung ứng đều đặn mỗi ngày khoảng 200 trăm tấn gạo. Trước sức ép rủi ro cao của giá gạo biến động, doanh nghiệp không vội ký kết đơn hàng mới mà chủ động thu mua mỗi ngày gần 300 tấn gạo nguyên liệu nhằm giữ vững kế hoạch xuất khẩu 40.000 tấn trong năm nay.
"Đối với Công ty Phước Thành IV, ngay lúc này công ty đã mạnh dạn tập trung mua vào để dự trữ để làm sao có được nguồn hàng tốt nhất và số lượng tương đối nhiều nhất", ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết.
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ĐBSCL nêu ý kiến: "Tôi thiết nghĩ rằng Bộ NN-PTNT cùng với Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách về tín dụng. Trong đó làm sao để cung nguồn tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình thu mua lúa gạo của nông dân. Việc này là hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, gián tiếp thông qua doanh nghiệp, không phải là hỗ trợ cho doanh nghiệp".
Hai ngày nay, giá gạo chững lại. Các doanh nghiệp dự báo biến động giảm giá sẽ không còn, đồng thời tin tưởng nhà nhập khẩu gạo các thị trường truyền thống sẽ sớm ký kết hợp đồng trở lại. Bởi cùng với lợi thế thuận tiện vận chuyển mua bán, hạt gạo thơm ngon chất lượng, thì giá cả cạnh tranh hợp lý, càng giúp hạt gạo Việt Nam giữ vững thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!