Đây là một bước tiến quan trọng giúp người tiêu dùng truy xuất được cơ sở nuôi, vùng nuôi, đến các cơ sở thu mua, sơ chế nhằm phục vụ xuất khẩu, hướng tới phát triển ngành tôm hùm bền vững.
Với một con tôm hùm được nuôi ở vùng biển Nam Trung Bộ, để biết cụ thể con tôm này nuôi ở hộ nào và do doanh nghiệp mua nào nuôi để xuất khẩu thì chắc hẳn bằng mắt thường thì không ai biết được. Tuy nhiên, khi gắn thẻ gắn trên tôm hùm thì hoàn toàn có thể biết được nguồn gốc con tôm hùm này từ đâu.
Gắn thẻ cho tôm hùm là một phần nằm trong hệ thống truy xuất nguồn gốc mà Cục Thủy sản phối hợp nhiều đơn vị triển khai thí điểm trên tôm hùm ở Hợp xã dịch vụ tôm hùm Sông Cầu. Đây là hợp tác xã đang triển khai đề án sản xuất và tiêu thụ tôm hùm theo chuỗi.
Chiếc thẻ truy xuất nguồn gốc được kỳ vọng mở ra sẽ mở ra nhiều cơ hội ở cả khu vực Nam Trung Bộ - nơi có hơn 7.000 hộ nuôi tôm hùm với sản lượng khoảng 6.000 tấn mỗi năm.
Ông Trần Đình Luân - Cục Trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Trong giai đoạn tới, Cục Thuỷ sản sẽ bàn giao sản phẩm này cho các hợp tác xã, địa phương để ứng dụng vào thực tiễn. Người dân cần áp dụng công nghệ thông tin để truy xuất một cách minh bạch nhất, từ đó xây dựng thương hiệu tôm hùm một cách tốt nhất".
Thực tế thời gian qua cho thấy, khi xuất tôm hùm vào thị trường Trung Quốc - quốc gia chiếm đến 98% kim ngạch xuất khẩu tôm hùm Việt Nam luôn yêu cầu phải có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng. Đây cũng đang là vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu tôm hùm bông của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Vì vậy, việc gắn thẻ cho tôm hùm tại Phú Yên mở ra những cơ hội mới cho người nuôi tôm, góp phần phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!