Doanh nghiệp Việt đã “sống sót” ra sao trong biến cố đại dịch COVID-19?

Theo Dân trí-Thứ tư, ngày 11/11/2020 09:31 GMT+7

Hình minh họa

VTV.vn - Khi đối mặt với biến cố lớn, đa phần các doanh nghiệp đều rơi vào trạng thái bị động và phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tại thời điểm dịch vừa diễn ra.

Mỗi tháng gần 8.600 doanh nghiệp rời thị trường

Theo đánh giá của Vietnam Report trong một báo cáo công bố ngày 10/11, năm 2020, thế giới đã chứng kiến và trải qua rất nhiều biến động, điều này ảnh hưởng đến không chỉ các quốc gia đang phát triển và những nền kinh tế nhỏ mà ngay cả các cường quốc lớn cũng phải chịu những tổn thất vô cùng nặng nề.

Đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây ra hàng loạt các tác động nghiêm trọng: Gần 46 triệu ca bệnh, hơn 1 triệu người tử vong, khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp không ngừng gia tăng, doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng sản xuất...

Trong khảo sát do Vietnam Report thực hiện vào tháng 10/2020, có 24,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2020 tăng so với cùng kỳ 2019 trong khi 36,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình cơ bản ổn định và 39 % doanh nghiệp cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh giảm đi.

Doanh nghiệp Việt đã “sống sót” ra sao trong biến cố đại dịch COVID-19? - Ảnh 1.

Biểu đồ doanh thu và tốc độ tăng trưởng doanh thu theo ngành cho thấy, lĩnh vực tài chính vẫn "sống khoẻ" qua đại dịch

Cũng trong khảo sát này, khi được hỏi về biến động doanh thu 9 tháng của năm 2020, có tới 41,5% doanh nghiệp cho biết doanh thu bị giảm so với cùng kỳ năm 2019, 43,9% doanh nghiệp đánh giá doanh thu tăng và chỉ có 14,6% doanh nghiệp cho rằng chỉ tiêu này là cơ bản ổn định.

Theo kết quả khảo sát được Vietnam Report tiến hành trong thời gian vừa qua, có 4 rào cản ảnh hưởng nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2020, đó là: Thị trường bị thu hẹp, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng giảm do dịch COVID-19; tăng trưởng kinh tế không ổn định; chiến tranh thương mại giữa các quốc gia và các nền kinh tế lớn; gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt và cuộc sống người dân dần đi vào ổn định kể từ đầu tháng 9. Tuy nhiên, những hậu quả do đại dịch này gây ra đối với nền kinh tế vẫn chưa kết thúc và các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang nỗ lực vực dậy và phục hồi sau dịch.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 10 tháng có gần 85.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, nghĩa là trung bình mỗi tháng có 8.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp Việt lên kế sách "đón sóng" FDI

Chuyên gia Vietnam Report cho rằng, trên thực tế, những rào cản, thách thức như thị trường bị thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng giảm, tăng trưởng kinh tế không ổn định, gián đoạn, đứt gãy nguồn cung ứng đều xuất phát từ sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Đây là rủi ro mà không doanh nghiệp nào có thể lường trước.

Vì vậy, khi đối mặt với biến cố lớn, đa phần các doanh nghiệp đều rơi vào trạng thái bị động và phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tại thời điểm dịch vừa diễn ra.

Doanh nghiệp Việt đã “sống sót” ra sao trong biến cố đại dịch COVID-19? - Ảnh 2.

Tuy nhiên, khảo sát mới đây được Vietnam Report tiến hành cho thấy đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp VNR500 (top 500 doanh nghiệp có quy mô lớn nhất nước) đã thực hiện một số chiến lược nhằm ứng phó trước những tác động tiêu cực trong dịch và phục hồi sau dịch.

Theo đó, trong 5 chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp sau đại dịch, 90,4% quyết định tăng cường đào tạo nhân viên, tối đa hóa nguồn nhân lực; 86,5% doanh nghiệp lựa chọn giảm thiểu chi phí; 73,1% doanh nghiệp thực hiện tăng cường ưu thế cạnh tranh; 53,8% doanh nghiệp có dự định tăng cường nguồn vốn cho ứng dụng công nghệ và kĩ thuật số và có 42,3% doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh trải nghiệm khách hàng.

Vietnam Report cho biết, bước qua khủng hoảng, các doanh nghiệp cũng dần trở nên thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư kinh doanh. Có 58,1% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ dự kiến sẽ mở rộng đầu tư đối với lĩnh vực kinh doanh chủ lực hiện tại, 37,2% dự kiến giảm mức đầu tư kinh doanh xuống và 4,7% doanh nghiệp giữ nguyên quy mô hiện có.

Trong hai năm tới, 48,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát quyết định không mở rộng sang các dự án và lĩnh vực kinh doanh mới. Còn lại, trong số 51,2% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh sang lĩnh vực mới, có 52,2% doanh nghiệp sẽ tiến hành tìm kiếm thị trường mới, 30,2% doanh nghiệp cho biết họ sẽ thực hiện các dự án liên doanh/liên kết và 11,6% doanh nghiệp sẽ thực hiện các dự án mua bán/sáp nhập (M&A).

Trước bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động và tại một số quốc gia, tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát với số ca nhiễm vẫn ngày một tăng, các doanh nghiệp đa quốc gia đã và đang lên kế hoạch tìm kiếm "vùng đất mới" để đầu tư và phát triển.

Với những nỗ lực được ghi nhận từ kết quả tăng trưởng dương trong suốt thời gian qua, Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng - nơi được dự báo sẽ thu hút lượng lớn dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc.

Đứng trước cơ hội này, đa phần các doanh nghiệp VNR500 trong khảo sát mới đây cho biết, họ đã có những chuẩn bị để tiếp cận dòng vốn FDI này.

Theo đó, top 3 chiến lược của doanh nghiệp trước cơ hội từ sự dịch chuyển dòng vốn FDI là: đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ quản lý, cải thiện năng suất và kỹ năng cho người lao động (chiếm 81,4% phản hồi); tìm hiểu, nghiên cứu về tác động tiềm tàng của dòng dịch chuyển vốn FDI đối với hoạt động của doanh nghiệp mình (62,8%) và lên phương án mở rộng thị trường, từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (55,8%).

Báo cáo này của Vietnam Report cũng cho hay, nếu như trong giai đoạn trước, khi phải đối mặt với khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, các doanh nghiệp đều đã tiến hành điều chỉnh chiến lược ưu tiên nhằm củng cố nội lực như cắt giảm chi phí hay tìm cách tối đa hóa nguồn nhân lực thì hiện nay, vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu là duy trì dòng tiền ổn định và cân đối thu - chi.

Để đạt được điều này, không thể chỉ dựa vào nội lực của doanh nghiệp mà cần nhờ đến sự giúp đỡ từ phía Nhà nước và các ngân hàng thông qua các gói hỗ trợ, ưu đãi và cho vay.

Doanh nghiệp thích nghi để sống sót trong khủng hoảng thời COVID-19 Doanh nghiệp thích nghi để sống sót trong khủng hoảng thời COVID-19

VTV.vn - Thay vì hoang mang ngồi chờ dịch đi qua thì nhiều doanh nghiệp đã chứng tỏ "sức đề kháng" của mình bằng cách tính toán giải pháp thích nghi.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước