Doanh nghiệp thực phẩm tăng sản xuất, giảm giá bán cho vùng bão lũ

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 13/09/2024 06:53 GMT+7

VTV.vn - Ở phía Bắc đang tập trung khắc phục các thiệt hại sau cơn bão, các doanh nghiệp ở phía Nam đang nỗ lực để tăng lượng hàng cung ứng cho khu vực chịu ảnh hưởng bởi bão lũ.

Cả trong và sau bão lũ, đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho người dân là một trong những ưu tiên hàng đầu. Thời điểm này, khi các địa phương ở phía Bắc đang tập trung khắc phục các thiệt hại sau cơn bão thì các địa phương, doanh nghiệp ở phía Nam cũng đang nỗ lực hết sức, để tăng lượng hàng cung ứng cho khu vực chịu ảnh hưởng bởi bão lũ.

Các doanh nghiệp tăng ca, tăng kíp để tăng lượng hàng, duy chỉ một thứ là họ giảm đó là giảm giá. Từ trước đến nay, doanh nghiệp - vốn là chủ thể phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu, thì với họ lúc này, lợi ích của đồng bào ở vùng bão lũ mới là thứ cần ưu tiên nhất.

Xúc xích các loại và thực phẩm đóng hộp đều là những nhóm mặt hàng tăng nhẹ về nhu cầu trong những ngày qua. Vì đây đều là những nhóm mặt hàng thiết yếu và cần thiết cho hoạt động cứu trợ bão lụt do vậy công ty Vissan đã tăng 20% sản lượng. Việc này vừa đáp ứng nhu cầu cứu trợ và dự phòng trong trường hợp thiếu hàng ở khu vực phía Bắc.

Ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết: "Chúng tôi có một nhà máy ở khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh đang hoạt động 24/24 để đáp ứng đầy đủ. Ngoài nhà máy ở Bắc Ninh, chúng tôi có tăng cường hàng ở các nhà máy từ trong Nam ra bằng các chuyến xe vận chuyển tăng cường hàng phía Bắc ở một số khu vực thiếu hàng cục bộ. Hiện nay hàng hóa bản thân chúng tôi cũng đã phủ ở thị trường tồn kho lên đến 20 ngày bán hàng do đó ở góc độ thị trường chúng tôi không lo thiếu".

Không chỉ sẵn sàng tăng ca, tăng cường sản xuất, giá cả hàng hóa được các doanh nghiệp cam kết sẽ không biến động.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho hay: "Về giá cả có thể giữ bình ổn giá, cái thứ hai nữa hàng hóa với nguyên vật liệu dự trữ sẵn có thể đầy đủ để cung ứng".

Về nhóm mặt hàng sữa, công ty Vinamilk cho biết doanh nghiệp có khả năng cung ứng 1.500 tấn hàng/ngày. Cùng với việc hỗ trợ khoảng 3 tỷ đồng sản phẩm sữa dinh dưỡng thiết yếu cho 10 tỉnh thành ảnh hưởng bão lũ, doanh nghiệp cam đoan hàng hóa sẽ luôn thông suốt.

"Hàng ngày chúng tôi duy trì 6 đơn vị vận chuyển, tức là 10 công hàng từ Nam ra Bắc cộng với sản xuất tại địa phương. Ngoài ra không chỉ dựa vào năng lực phân phối của các nhà phân phối mà với mạng lưới và phân phối của công ty, chúng tôi sẵn sàng điều động hoặc cùng đồng lòng với đơn vị vận chuyển, nhà cung cấp kho tàng để đáp ứng ở bất kì địa phương nào bị ảnh hưởng", ông Nguyễn Trung - Giám đốc Chuỗi Cung ứng- Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam cho hay.

Không chỉ cam kết giữ giá ổn định, không ít doanh nghiệp sản xuất cũng sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận. Những mặt hàng thiết yếu như xúc xích, đồ hộp hay sữa được phục vụ cứu trợ cho các bà con vùng lũ cũng được doanh nghiệp bán với mức giá ưu đãi hơn so với thông thường.

Nỗ lực đảm bảo đủ rau củ quả cho người dân vùng bão lũ

Doanh nghiệp thực phẩm tăng sản xuất, giảm giá bán cho vùng bão lũ - Ảnh 1.

Các kệ hàng trong siêu thị luôn đủ hàng phục vụ nhu cầu của người dân.

Từ xúc xích, thực phẩm đóng hộp, mì hay sữa và cả rau xanh cũng đang được chuyên chở trên những chuyến xe từ Nam ra Bắc. Thời điểm này theo thông tin mà chúng tôi ghi nhận từ các Sở Công thương ở các tỉnh thành phía Bắc thì hàng hóa được cung ứng đầy đủ, kịp thời.

Tại Hà Nội, lượng hàng trong các kệ hàng trong siêu thị không chỉ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu cho người dân Thủ đô, mà còn là nguồn hàng để người dân ở Hà Nội có thể tham gia cứu trợ cho các tỉnh thành thiệt hại nhiều hơn, đặc biệt là ở khu vực vùng núi.

Các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn cũng đang chung tay, trợ giá cho các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là rau củ quả.

Các đơn hàng rau củ vừa được siêu thị nhập về từ Đà Lạt cũng như là các kho trung chuyển ở Bình Dương để phục vụ cho người tiêu dùng. Do nhu cầu cho các mặt hàng này trong thời điểm vừa qua tăng rất cao, chính vì vậy siêu thị đã phải liên tục nhập hàng về, đồng thời có những chính sách trợ giá để hỗ trợ cho người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Nội cho biết: "Lượng hàng mà chúng tôi nhập về siêu thị hàng ngày lớn gấp 3 đến 5 lần những ngày bình thường và đặc biệt khi nhu cầu của người mua sắm càng lớn thì chúng tôi đã chuẩn bị một lượng hàng từ TP Hồ Chí Minh và Đà Lạt về đi trong đêm. Hiện tại thì chúng tôi đang giảm chương trình giảm giá, đặc biệt là hàng rau củ Đà Lạt chúng tôi đang giảm trực tiếp 20% cho người tiêu dùng".

Các siêu thị cho biết do đặc thù là mặt hàng tươi, cần bảo quản từ khâu vận chuyển đến trữ hàng, nên trong những ngày này, toàn bộ nhân viên luôn làm việc hết công suất, đảm bảo không kệ hàng nào trống thực phẩm tươi sống.

"Chúng tôi đã thấy được cái tốc độ mua sắm và chúng tôi cũng đã làm việc ngay các đơn hàng đặt trước nhà cung cấp để có thể giao bổ sung có thể là trước 1-2 tiếng nếu hết chúng tôi lại báo bổ sung tiếp. Hệ thống chúng tôi đã tạo các nhóm zalo, online trên truyền thông để bàn việc ship hàng cho khách hàng rất nhiều", bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Giám đốc siêu thị BRGMart 120 Hàng Trống chia sẻ.

"Rau tươi nguồn gốc rõ ràng, giá cả ổn định và cũng đầy đủ các loại rau, không thiếu gì cả", bà Chu Thị Lương, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội thông tin.

"Thịt cá có thể thiếu vào một vài hôm được nhưng rau quả thì đương nhiên là phải sử dụng. Nói chung là những ngày này về rau ở các siêu thị thì nó vẫn đa dạng như những ngày thường", ông Vũ Tuấn Nam, quận Hà Đông, TP Hà Nội chia sẻ.

Không chỉ tại Hà Nội, mà tất cả các hệ thống siêu thị đều có sẵn các phương án, sẵn sàng cung ứng cho các địa phương vùng núi phía bắc.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc Chuỗi WinMart cho hay: "Mở đường đến đâu chúng tôi có hàng đến đó. Vì vậy chúng tôi đang chuẩn bị những lượng hàng rất lớn để phụng sự cho các hoạt động kinh doanh tại Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và các tỉnh thành khác. Đặc biệt là khi cao điểm bão xảy ra thì chúng tôi đã tổ chức ngay các lực lượng trực túc trực tại siêu thị bán hàng cho tới giờ thời gian cuối cùng".

Đối với các hợp tác xã trồng rau củ khó khăn trong việc vận chuyển, các hệ thống siêu thị cũng cho biết luôn bố trí xe túc trực để kịp thời hỗ trợ nông dân sơ chế, vận chuyển tới kho lạnh, đảm bảo không bị gián đoạn nguồn cung rau củ quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước