Trái chiều thực phẩm sau bão
Cơn bão số 3 và hoàn lưu của bão đã gây mưa lớn ngập lụt nghiêm trọng, kéo theo thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương. Hơn 160.000 ha lúa bị ngập úng, hơn 1.300 con gia súc, 790.000 gia cầm bị chết. Sau bão, một điều mà nhiều người quan tâm, đặc biệt là các bà nội trợ, đó là nguồn cung và giá cả thực phẩm.
Tại các chợ, mặt hàng rau củ đang có xu hướng tăng giá. Hiện mỗi bó rau cải cũng được bán với giá 12.000 đồng trong khi giá bình thường khoảng 7.000 đồng. Giá rau mồng tơi là khoảng hơn 20.000 đồng/bó, gấp đôi bình thường. Hành lá có giá 60.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng mỗi kg so với trước bão.
Bà Nguyễn Thị Thêm - Phường Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: "Ngày thường mua 10.000 đồng/mớ rau, hôm nay mua 60.000 đồng/mớ rau muống, đậu bình thường mua 17.000 – 18.000 đồng/kg, hôm nay 25.000 đồng/kg mà đậu còn xấu, không được ngon. Nhưng bão gió ngập lụt, chợ búa ở đây trông ở quê, xa họ không đến được thì mình phải chấp nhận".
Còn tại các hệ thống bán lẻ, siêu thị, những mặt hàng rau và thực phẩm đặc biệt là thịt lợn đang có giá cả ổn định. Theo đại diện các siêu thị, những ngày này, lượng khách hàng tới mua sắm tăng gấp ba lần so với tháng trước đó. Theo đó, các hệ thống bán lẻ cũng phải chuẩn bị nguồn hàng tương ứng và đảm bảo bình ổn giá.
Chị Nguyễn Hải Linh - Quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: "Tâm lý người tiêu dùng sau bão đi siêu thị mua hàng, tôi lo lắng không biết có đủ thực phẩm để mua không . Nhưng khi đến đây, tôi thấy đầy đủ các mặt hàng thịt lợn được bày bán, giá cả thì vẫn bình ổn, yên tâm đáp ứng nhu cầu mua sắm".
Chị Nguyễn Thị Mai Anh - Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nêu ý kiến: "Trước và sau bão, tôi vẫn đi chợ ngoài. Nhưng hiện tại, trong tình hình thời tiết như thế này, ở trong các hệ thống bán lẻ như siêu thị, Winmart, Aeon, giá cả các mặt hàng vẫn rất ổn định, không có sự tăng giá, xê dịch".
Theo đại diện Sở Công thương Hà Nội, trước và sau bão, Sở đã phối hợp với các Ban ngành, cơ quan chức năng của Thành phố giám sát kiểm tra về nguồn cung cũng như giá cả hàng hoá và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo cho nhu cầu mua sắm của người dân trong điều kiện thiên tai như hiện nay.
Các nhà phân phối đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hoá, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân
Sẵn sàng nguồn cung hàng hóa nhu yếu phẩm
Nhiều người đang lo ngại xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, lương thực thực phẩm sau bão số 3, nhất là tại những địa phương trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: "Trước diễn biến của cơn bão số 3 cũng như hoàn lưu do bão gây ra, nắm bắt tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương, UBND, Sở Công thương các tỉnh, Thành phố đã khẩn trương bám sát các chỉ đạo và triển khai các nhiệm vụ để có phương án điều phối cung ứng hàng hóa, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu bao gồm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nước uống, xăng dầu để sẵn sàng huy động đưa ra thị trường phục vụ nhân dân.
Do vậy, các doanh nghiệp phân phối, các nhà cung cấp hàng hóa quy mô lớn đã có kế hoạch sản xuất kịp thời, trong đó có các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ. Bộ trưởng Bộ Công thương đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng để hỗ trợ, ưu tiên, vận chuyển các hàng hóa thiết yếu tại các khu vực bị cô lập, ngăn cách do lũ quét".
Theo ông Tuấn, thực hiện các công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương đã quyết định thành lập và tổ chức triển khai tổ công tác tiền phương về cung ứng điều tiết hàng hóa thiết yếu tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 để trực tiếp nắm bắt tình hình thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu, có phương án điều phối nhanh và kịp thời. Do tình hình bão lũ thay đổi và diễn biến phức tạp, liên tục tại mỗi thời điểm khác nhau, Bộ Công thương luôn bám sát các thông tin thực tế từ các địa phương để có thể đảm bảo duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương.
Qua ghi nhận từ các địa phương chịu ảnh hưởng do bão, mặc dù số lượng người mua hàng tại một số điểm có tăng cao hơn so với thông thường, nhưng do có sự chuẩn bị trước đó nên đến nay, nguồn cung hàng hóa vẫn được đảm bảo và giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản vẫn giữ ổn định, trừ mặt hàng rau củ quả xanh có tăng một chút tại một số thời điểm do nhiều khu vực bị ngập úng cục bộ. Và đây là loại hàng hóa khó vận chuyển và bảo quản.
Trước việc nguồn cung thực phẩm, hàng hóa bị ảnh hưởng do bão lũ, hầu hết các nhà phân phối đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hoá, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Hiện tại, nhiều địa phương không bị ảnh hưởng bởi bão lũ cũng đã sẵn sàng nguồn hàng hoá để chi viện cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3.
Gạo, mỳ tôm cùng hàng trăm tấn hàng hoá, nhu yếu phẩm thiết yếu đã được nhà phân phối này chuẩn bị để cung ứng cho thị trường. Cùng với việc chủ động tăng lượng dự trữ từ 30% đến 50% đối với từng mặt hàng, chất lượng và giá cả hàng hoá cũng được kiểm soát.
Ông Nguyễn Thái Dũng - Giám đốc khối bán lẻ Tập đoàn BRG cho biết: "Chúng tôi cùng với các nhà cung cấp sẽ cam kết bình ổn giá, phục vụ bà con trong mùa bão lũ này. Và đặc biệt là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, dầu ăn, nước mắm, những sản phẩm nước uống tinh khiết, chúng tôi cũng có sự chuẩn bị nguồn cung gấp ba lần so với bình thường".
Còn với hệ thống này, cùng với việc tham gia bình ổn giá, một lượng lớn hàng hoá, nhu yếu phẩm, cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng để cung cấp cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3, ngay khi giao thông được thông suốt. Nhiều địa phương cũng sẵn sàng điều phối lượng hàng hóa lớn cho các địa bàn bị ảnh hưởng nặng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng giám đốc chuỗi siêu thị WinMart nêu ý kiến: "Ở các khu vực bị thiên tai, lũ lụt và bị ngăn cản bởi đường xá, chúng tôi đã chuẩn bị một lượng hàng tăng từ 3 đến 5 lần so với bình thường, đặc biệt là những mặt hàng lương thực, thực phẩm. Và chúng tôi nối tuyến với nhau để thực hiện các chuyến khi đường giao thông được liền mạch để phục vụ cho người dân và cư dân cộng đồng ở xung quanh khu vực và các tỉnh thành".
Mục tiêu cao nhất hiện nay là các hệ thống phân phối đảm bảo nguồn cung hàng hoá, đáp ứng nhu cầu của người dân và hạn chế việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu.
Nguồn cung hàng hóa về cơ bản vẫn ổn định
Không để xảy ra tình trạng đầu cơ, bán hàng giả, găm hàng, tăng giá bất hợp lý
Nguồn cung hàng hóa về cơ bản vẫn ổn định, tuy nhiên không tránh khỏi tình trạng một số đối tượng lợi dụng tình hình mưa lũ để bán hàng giả mạo, tăng giá thực phẩm.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương chia sẻ: "Thứ nhất, Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo các Sở Công thương địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối, cung ứng hàng hóa để nắm sát được tình hình tại các địa bàn để kịp thời có phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Thứ hai, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Công điện chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương trong việc kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, bán hàng giả, găm hàng, tăng giá bất hợp lý".
Để triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ trưởng các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị hỗ trợ các phương tiện vận tải để có thể lưu thông các hàng hóa thiết yếu đến các địa phương đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng khuyến cáo, phải thực hiện trong điều kiện đảm bảo an toàn. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công thương cũng khuyến cáo liên hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các lực lượng chức năng đối với các khu vực bị chia cắt, ngập lụt, có thể huy động các phương tiện vận tải chuyên dụng.
Như vậy, việc cung ứng hàng hóa tại các khu vực chịu ảnh hưởng của bão số 3 vẫn cơ bản được đảm bảo. Người dân cần bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại và dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 gây ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!