Doanh nghiệp làm gì để ứng phó phòng vệ thương mại năm 2025?

Kate Trần-Chủ nhật, ngày 12/01/2025 07:20 GMT+7

Năm 2024, hàng Việt xuất khẩu phải đối mặt với 32 vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài mới.

VTV.vn - Đối diện với thách thức lớn về nguy cơ phòng vệ thương mại năm 2025, doanh nghiệp Việt cần liên tục theo dõi, cập nhật diễn biến thị trường và nâng cao nội lực...

Vụ việc phòng vệ thương mại tăng gấp đôi

Doanh nghiệp làm gì để ứng phó phòng vệ thương mại năm 2025? - Ảnh 1.

Số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam theo từng năm

Trao đổi với phóng viên VTV Times, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) Chu Thắng Trung đánh giá, sử dụng hàng rào phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa nội địa đang ngày càng trở nên nóng hơn trên thị trường toàn cầu. Trong năm 2024, chúng ta ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ số cuộc điều tra phòng vệ thương mại không chỉ về số lượng mà tính chất cũng phức tạp hơn rất nhiều.

"Trong năm 2024, hàng Việt xuất khẩu phải đối mặt với 32 vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài mới khởi xướng phát sinh từ 12 thị trường. Con số này tăng gần gấp đôi so với 15 vụ việc của năm 2023. Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là nước điều tra nhiều nhất với 11 vụ việc, chiếm khoảng 1/3 số vụ việc năm 2024", ông Trung cho hay.

Đáng chú ý, năm 2024 là năm các nước khởi xướng điều tra nhiều vụ việc phòng vệ thương mại mới đối với hàng Việt. Nhiều quốc gia điều tra các nội dung mới chưa từng có tiền lệ gây ra khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp nước ta. Đơn cử, Hoa Kỳ điều tra trợ cấp xuyên quốc gia với pin mặt trời và vỏ viên nhộng; Canada lần đầu tiên điều tra chống lẩn tránh với một nước là Việt Nam…

Cùng với đó, sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, từ các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như pin mặt trời (4,2 tỷ USD), tôm (800 triệu USD), thép chống ăn mòn (242 triệu USD) đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp hơn như khay đúc bằng sợi (50 triệu USD), đĩa giấy (9 triệu USD)…

Mặt khác, có thể thấy, hiện mức thuế trong một số vụ việc điều tra hàng Việt còn khá cao. Ví dụ, tại thị trường Hoa Kỳ trong kỳ rà soát hành chính lần thứ nhất lệnh áp thuế chống bán phá giá với mật ong, biên độ phá giá toàn quốc sơ bộ không đổi so với lệnh áp thuế ban đầu (60,03%), tuy nhiên, biên độ phá giá sơ bộ của 02 bị đơn bắt buộc - cũng là bị đơn trong vụ việc ban đầu và biên độ phá giá riêng rẽ sơ bộ của 13 công ty lại tăng gấp đôi (58,74% - 61,27% lên 100,54% - 154,47%).

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết thêm, cho đến nay, có những biện pháp đã được áp dụng hơn 20 năm đối với hàng Việt như lệnh áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ với cá tra, basa, tôm nước ấm vẫn được rà soát hàng năm.

Trong năm 2024, Việt Nam đã đạt hiệu quả tích cực một số biện pháp phòng vệ thương mại nước ngoài, qua đó góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đơn cử như Hoa Kỳ chấm dứt điều tra chống lẩn tránh với tủ gỗ, chấm dứt điều tra chống bán phá giá nhôm đùn ép, chấm dứt điều tra phạm vi sản phẩm với bánh xe kéo bằng thép; Hoa Kỳ sơ bộ kết luận tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tham gia rà soát được hưởng mức thuế suất 0 USD/kg cho kỳ rà soát hành chính lần thứ 20 thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra, basa phi lê đông lạnh; Các doanh nghiệp hợp tác được hưởng thuế 0% trong vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống lẩn tránh pin năng lượng mặt trời; Các doanh nghiệp hợp tác được hưởng thuế 0% trong vụ việc Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với ống thép hàn không gỉ...

Đẩy mạnh áp dụng các quy định mới, tăng cường sử dụng quy định về nền kinh tế phi thị trường

Để bảo vệ nền sản xuất trong nước, năm 2024, Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục điều tra, rà soát 10 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 06 vụ việc mới, khởi xướng rà soát 03 vụ việc rà soát cuối kỳ; khởi xướng 01 rà soát hàng năm, tiếp nhận và xử lý 07 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.

Nhận định về năm 2025, ông Trung cho biết, tình hình kinh tế - chính trị thế giới dự kiến sẽ có nhiều biến đổi và cạnh tranh hàng hóa ngày càng khốc liệt hơn trong năm nay. Trong bối cảnh đó, dự báo các vụ kiện phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay, mức độ phức tạp và quy mô cũng tăng lên.

Cũng theo ông Trung, trong năm 2025, Bộ Công thương dự báo, bên cạnh việc tiếp tục sử dụng những biện pháp phòng vệ thương mại có phạm vi áp dụng rộng như tự vệ hoặc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại để tăng cường bảo hộ....thì các thị trường nhập khẩu sẽ đẩy mạnh áp dụng các quy định pháp luật mới nhằm tăng mức thuế có thể áp dụng, thông qua việc sử dụng các quy định về nền kinh tế phi thị trường; tình hình thị trường đăc biệt. 

Doanh nghiệp làm gì để ứng phó phòng vệ thương mại năm 2025? - Ảnh 3.

Thép là một trong những mặt hàng bị điều tra áp các biện pháp tự vệ nhiều nhất.

Bên cạnh đó, các nước sẽ tăng cường việc áp dụng các quy định điều tra mới, chưa từng có tiền lệ như các yếu tố về nhân quyền, trợ cấp xuyên quốc gia...Chưa hết, hiện các nước còn tiếp tục sửa đổi thêm các quy định về phòng vệ thương mại theo hướng bảo hộ và khó dự đoán hơn. Đồng thời, cũng sẽ yêu cầu, đòi hỏi khắt khe hơn về thủ tục khi tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại.

Đáng chú ý, trong năm nay, các nhóm sản phẩm mục tiêu của các biện pháp phòng vệ thương mại có thể là các mặt hàng sử dụng nhiều lao động hoặc sử dụng nguyên liệu đầu vào từ những nước thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại như Trung Quốc...

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt cần chuẩn bị gì?

Trả lời cho câu hỏi này, ông Trung nhấn mạnh, thời gian qua, công tác cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại được Cục Phòng vệ thương mại triển khai tích cực nhằm giúp các doanh nghiệp, ngành hàng chủ động ứng phó trước những nguy cơ bị điều tra từ nước ngoài.

Cục Phòng vệ thương mại đã cập nhật danh sách cảnh báo sớm đối với một số ngành hàng có rủi ro lớn hơn trong việc bị điều tra phòng vệ thương mại tại một số thị trường xuất khẩu như gỗ dán, tủ gỗ, thép chống ăn mòn, thép cán nóng, cáp thép dự ứng lực, ống thép hàn, nhôm thanh định hình, ống đồng, kính nổi, nhựa PET, đá thạch anh nhân tạo, máy giặt, tủ lạnh, lốp xe tải và xe khách xuất khẩu, thép gió, máy biến thế...

Được biết, hiện tại hệ thống theo dõi khoảng 300 mặt hàng có rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại. Bên cạnh việc thu thập và phân tích các dữ liệu thông tin đó, Cục Phòng vệ thương mại cũng sử dụng nguồn thông tin gửi về từ hệ thống hơn 60 thương vụ tại các thị trường xuất khẩu chính.

Do đó, theo ông Trung, các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nói trên cần thường xuyên theo dõi, cập nhật tin tức và tìm hiểu các quy định điều tra phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu. Trong trường hợp xảy ra vấn đề gì thì nhanh chóng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để đối phó hiệu quả với các rủi ro này.

Đáng chú ý, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trong bối cảnh xuất khẩu ngày càng đối mặt với nguy cơ về phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt cần có chiến lược đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. "Doanh nghiệp cần luôn ý thức vươn lên cạnh tranh với các đối thủ bằng chất lượng, cố gắng nâng cao tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng...", ông Phong nhấn mạnh và cho rằng "chỉ có như vậy, hàng Việt mới xuất khẩu bền vững".

Về phía nhà nước, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã không ngừng vận động các quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Tính đến nay, đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Năm 2024, Costa Rica công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Trong gần 23 năm qua, Cục Phòng vệ thương mại đã không ngừng thúc đẩy công tác đề nghị các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil... công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước