Doanh nghiệp EU kêu gọi tạm hoãn quy định cấm nhập khẩu liên quan đến giảm diện tích rừng

Thường trú Đài THVN tại châu Âu-Thứ hai, ngày 16/09/2024 13:51 GMT+7

VTV.vn - Nhiều doanh nghiệp châu Âu vừa kêu gọi tạm hoãn quy định cấm nhập khẩu vào thị trường chung châu Âu những nông sản mà quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng.

Nhiều doanh nghiệp châu Âu vừa kêu gọi tạm hoãn quy định cấm nhập khẩu vào thị trường chung châu Âu những nông sản mà quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng. Quy định mà Nghị viện châu Âu thông qua đầu năm ngoái sẽ có hiệu lực trong chưa đầy 4 tháng nữa và sẽ tác động tới một số nông sản xuất khẩu của Việt nam, như cà phê, cao su và gỗ.

Hiệp hội Siêu thị bán lẻ Bồ Đào Nha đã kêu gọi Uỷ ban châu Âu đình chỉ áp dụng quy định chống phá rừng. Tờ Diário de Notícias của Bồ Đào Nha trong một bài báo dài nhắc độc giả rằng, quy định "ban hành hồi tháng 6 năm ngoái và sắp có hiệu lực từ 30/12 năm nay muốn bảo đảm rằng, các sản phẩm được bán trên thị trường chung châu Âu không dẫn đến nạn phá rừng hoặc suy thoái rừng". "Thịt bò, cà phê, cacao, dầu cọ, đậu nành, cao su, gỗ… cùng sản phẩm từ những nguyên liệu đó, phải có bằng chứng đi kèm xác nhận rằng không đến từ các khoảnh rừng bị chặt phá sau tháng 12/2020". Doanh nghiệp vi phạm "sẽ bị phạt 4% tổng doanh thu hàng năm trên thị trường chung châu Âu". 

Theo bài báo thì trước đó, "Hiệp hội Bán buôn Bán lẻ toàn châu Âu cũng đã bày tỏ lo ngại" không kịp tuân thủ quy định từ cuối năm nay, cũng có nghĩa là nguồn cung có thể gián đoạn, dẫn tới khan hiếm hàng hoá liên quan.

Giới doanh nghiệp châu Âu không phản đối một quy định, mà nếu thực hiện chuẩn chỉnh từ năm sau, có thể cứu được 1,2 triệu ha rừng trên toàn thế giới. Nhưng áp dụng gấp gáp thì khó mà đáp ứng kịp. 

Tờ Jornal de Negócios viết: "Các nước sản xuất cà phê cho rằng quy định này mang tính phân biệt đối xử, hạn chế nông dân sản xuất quy mô gia đình tiếp cận một thị trường mang lại nhiều lợi nhuận, là thị trường chung châu Âu. Nông dân ở các vùng nông thôn hẻo lánh khó có thể cung cấp tọa độ và chứng minh rằng trang trại của họ không nằm trên đất rừng mới bị phá sau năm 2020, trong khi đây lại là một trong những yêu cầu chính của quy định". 

Bài báo viết rằng "Bộ trưởng Thương mại và Nông nghiệp Mỹ cũng yêu cầu Liên minh châu Âu hoãn lệnh cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm liên quan đến phá rừng". Thế còn ngay tại Liên minh châu Âu, theo bài báo, "Bộ trưởng Nông nghiệp của 20 trong số 27 quốc gia thành viên đã ủng hộ lời kêu gọi từ Áo, phải xem xét lại quy định".

Tờ Hospodárske ra tại Slovakia đã phỏng vấn chủ một công ty bán lẻ cà phê. Ông này cho rằng "giá bán lẻ sẽ tăng khoảng 9%" do nhiều yếu tố, trong đó có chi phí để tuân thủ quy định mới. Theo như bức ảnh đi kèm bài báo, doanh nghiệp này có cà phê nguyên hạt, cà phê xay, cà phê hoà tan và cả cà phê rời chưa đóng gói, là những sản phẩm nằm trong phạm vi quy định chống phá rừng. 

Về lâu dài, ông này cũng chưa hiểu là "Nếu mức tiêu thụ tăng lên thì nông dân sẽ mở rộng quy mô trang trại cà phê như thế nào? Quy định này có thể tác động trực tiếp đến giá cả, vì không phải trang trại nào cũng có thể đáp ứng được các điều kiện mới. Giá cà phê sẽ chỉ tăng thêm mà thôi".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước