Cà phê, gỗ và cao su đối mặt quy định chống phá rừng
Việt Nam hiện có 3 mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu vào EU chịu sự điều chỉnh của Quy định chống phá rừng của EU bao gồm cà phê, gỗ và cao su. Mỗi năm, EU nhập khẩu gần 3 tỷ USD ba nhóm mặt hàng này từ nước ta.
Để được phép lưu thông các mặt hàng này tại EU, các doanh nghiệp nhập khẩu cần đảm bảo sản phẩm là hợp pháp và không gây mất rừng và suy thoái rừng với thời điểm mất rừng tính từ 30/12/2020 trở về sau.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, nhìn chung 3 ngành hàng này của Việt Nam ít có nguy cơ bị xếp vào nhóm rủi ro do diện tích sản xuất ba mặt hàng đã ổn định từ trước 2020.
Hiện Chính phủ Việt Nam đang thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên. Các diện tích mới chuyển đổi từ các diện tích rừng tự nhiên sang rừng trồng, cà phê, cao su chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ.
Vườn cà phê của một hộ nông dân tại tỉnh Kon Tum. Ảnh: Báo QĐND.
Thách thức truy xuất nguồn gốc
Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc truy xuất nguồn gốc bởi yêu cầu của phía EU là 100% sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này phải có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn. Việc rà soát các điểm rủi ro trong chuỗi cung ứng liên quan tới nông hộ là cực kỳ cấp thiết. Điều này cần triển khai một cách có hệ thống và chiến lược rõ ràng để kịp thời thu thập và xử lý thông tin của hàng triệu nông hộ.
Hơn 24.000 hộ nông dân sản xuất cà phê tại tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành gắn toạ độ định vị. Mỗi tọa độ sẽ cung cấp thông tin về tên tuổi, địa chỉ, phạm vi, diện tích, sản lượng canh tác của mỗi hộ dân. Cùng với đó là hình ảnh vệ tinh thể hiện biến động diện tích cây cà phê từ năm 2019 đến nay.
Tuy vậy, ngành cà phê Việt Nam có diện tích canh tác chủ yếu manh mún nhỏ lẻ. Lực lượng chủ lực là hơn 600.000 hộ nông dân, đặt ra nhiều thách thức về truy xuất nguồn gốc đến từng thửa đất trong thời gian ngắn.
Ông Valdis Dombrovskis - Phó Chủ tịch Điều hành Uỷ ban châu Âu, Cao uỷ Thương mại Liên minh châu Âu cho biết: "Cộng đồng xã hội ở Liên minh châu Âu mong muốn rằng các hoạt động thương mại liên quan tới EU sẽ không dẫn tới hệ quả xấu như phá rừng ở các quốc gia khác. Khi xây dựng quy định này, chúng tôi đặc biệt lưu tâm tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ sản xuất nông nghiệp, bằng cách cung cấp những hướng dẫn, lô trình rõ ràng và đảm bảo rằng các quy định chống phá rừng sẽ không tạo ra những gánh nặng không cần thiết".
Chủ động thích ứng quy định mới
Quy định mới của EU cũng chính là cơ hội để nông sản Việt Nam phát triển theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Ảnh minh họa - Ảnh: VGP.
EU nhập khẩu hơn 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản mỗi năm, trong đó chỉ có khoảng 4% từ Việt Nam. Điều này cho thấy dư địa thị trường này còn rất lớn. Việc Việt Nam sớm thích ứng với Luật chống phá rừng của châu Âu sẽ là đòn bẩy cho thương mại song phương.
Thách thức luôn đi kèm với cơ hội. Quy định mới của EU cũng chính là cơ hội để cà phê, gỗ, ca cao Việt Nam nói riêng và nhiều mặt hàng nông sản khác nói chung phát triển theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh, đảm bảo thực thi các cam kết ở cấp độ toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!