Đưa nhà máy "chạy" theo nguồn lao động - đó là chiến lược của Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công khi thấy nguồn lao động khó tuyển dụng tại TP Hồ Chí Minh. Vĩnh Long là nơi doanh nghiệp lựa chọn xây dựng thêm 2 nhà máy dể tận dụng nguồn lao động tại chỗ. Với nhu cầu tuyển dụng 1.500 lao động, nhưng hiện con số tuyển dụng chỉ gần 200 người.
Đơn hàng đã có - khó tuyển dụng công nhân điều này buộc nhiều doanh nghệp dệt may phải thay đổi hình thức sản xuất. Đó là áp dụng giải pháp chuyển đổi dây chuyền sản xuất thông minh. Cách làm này vừa giúp tăng năng suất, lại có thể tiết giảm khoảng 20% nhân công. Tuy vậy, thiếu hụt nguồn lao động lành nghề vẫn là một bài toán nan giải.
"Đầu tư về vấn đề công nghệ, kỹ thuật và phương pháp sản xuất để rút ngắn thời gian chế tạo sản phẩm. Nhưng khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay vẫn là vấn đề về nguồn nhân công có tay nghề để đáp ứng các nhu cầu công việc", bà Lê Nguyên Trang Nhã - Tổng Giám đốc Công ty Viking Việt Nam cho biết.
Đơn hàng tăng nhưng không tuyển được đủ lao động là tình trạng của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN
Nguyên nhân doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh khó tuyển dụng lao động là do phần lớn lao động dịch chuyển về quê sau đợt dịch COVID-19 và không trở lại thành phố. Ngoài ra, so với đời sống đắt đỏ hiện nay tại thành phố, mức lương khởi điểm của các doanh nghiệp không hấp dẫn người lao động quay trở lại.
Số lượng đơn hàng cho những tháng cuối năm tăng cao, nhiều doanh nghiệp đang ráo riết tuyển dụng lượng lớn công nhân để mở rộng sản xuất. Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh 2 tháng cuối năm cần trên 80.000 lao động trong.
Theo các chuyên gia, để đáp ứng yêu cầu sản xuất, căn cơ nhất là doanh nghiệp chú trọng cải thiện mức lương cùng với các phúc lợi đi kèm thì mới thu hút và giữ chân được lao động làm việc ổn định và gắn bó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!