EU lùi thời hạn áp dụng quy định mới
Mới đây, Ủy ban châu Âu đã đề xuất lùi thời hạn một năm với việc áp dụng luật cấm nhập khẩu nông sản - liên quan đến phá rừng vào EU. Tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn đang không khỏi lo lắng. Lý do là bởi cơ sở dữ liệu vẫn đang trong quá trình xây dựng mà hướng dẫn thực hiện chưa rõ ràng. Điều này khiến các doanh nghiệp trong trạng thái vừa đi vừa dò đường.
Là đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm thí điểm mô hình đầu tiên đáp ứng tiêu chuẩn theo yêu cầu của châu Âu, Công ty Simexco Đắk Lắk đã chuẩn bị các quy trình truy xuất nguồn gốc vùng trồng nhưng đến giờ vẫn vừa làm vừa nghe ngóng. Phía EU yêu cầu đơn vị xuất khẩu phải tự chứng minh được cà phê có xuất xứ không gây phá rừng nhưng không đưa ra hướng dẫn cụ thể, trong khi chế tài xử phạt lại rất nặng nếu vi phạm.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Phát triển nông nghiệp bền vững - Simexco Đắk Lắk cho biết: "Nếu xảy ra sai sót thì tất cả các nhà xuất khẩu phải đền bù và chịu những thiệt hại. Thiệt hại của tiêu chuẩn này đưa ra khá gắt, đó là nếu xảy ra sai phạm thì họ phạt 4% trên tổng doanh thu của một tập đoàn mà các tập đoàn ở nước ngoài rất lớn nên chúng tôi hiện nay rất lo lắng với các quy trình chúng tôi làm như thế thì có thể đáp ứng được hay không".
Là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn ở Việt Nam với sản lượng xuất khẩu lên đến 70.000 tấn/năm, trong đó 50% được xuất khẩu vào thị trường châu Âu, từ năm 2011 doanh nghiệp này đã có những vùng liên kết trồng cà phê bền vững đạt tiêu chuẩn 4C, Rain Forest. Dù đã sẵn sàng xuất khẩu vào châu Âu nhưng doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex tại Buôn Ma Thuột chia sẻ: "Quy định của EU là tất cả các vườn trồng cà phê đều phải có điểm định vị và những vùng có diện tích trên 4 ha phải vẽ ranh giới của thửa đất. Hiện tại, mô hình sản xuất của chúng ta là nông hộ nhỏ lẻ, các hộ dân có nhiều mảnh, vì vậy nên khối lượng công việc rất lớn, dẫn đến chi phí của các doanh nghiệp cũng rất lớn để thực hiện việc này".
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Phía EU cũng đang có nhiều bối rối của riêng họ, chưa ra phương pháp rõ là dùng loại bản đồ định vị nào, dùng phương pháp nào để áp dụng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục hỏi, đàm phán với Liên minh châu Âu liên tục để có thể có thông tin cho các doanh nghiệp, các địa phương".
Trong lúc chờ đợi thông tin hướng dẫn rõ ràng từ Liên minh châu Âu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai bộ 85 câu hỏi và đáp gửi cho các địa phương và doanh nghiệp để có sự chủ động về khai báo trước khi hàng đưa vào Liên minh châu Âu. Các nhóm thông tin cũng được thường xuyên cập nhật với các câu hỏi của doanh nghiệp gửi đến cơ quan chuyên môn của Liên minh châu Âu nhằm giải đáp thắc mắc về vấn đề này.
Dù là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới nhưng nguồn cung của Việt Nam lại chủ yếu dựa vào các hộ canh tác nhỏ
Chủ động canh tác thích ứng tiêu chuẩn của châu Âu
Yêu cầu truy xuất nguồn gốc theo Quy định chống phá rừng của châu Âu đang đặt ra thách thức chưa từng có đối với nước ta. Dù là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới nhưng nguồn cung của Việt Nam lại chủ yếu dựa vào các hộ canh tác nhỏ. Chính vì vậy, trong khi chờ đợi hướng dẫn từ Liên minh châu Âu, tại các vùng trồng liên kết, việc sản xuất cà phê bền vững tiếp tục được triển khai, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe từ châu Âu và sẵn sàng cho việc xuất khẩu.
HTX nông nghiệp Trọng Phú có 60 ha trồng cà phê cảnh quan, tất cả đều được chứng nhận 4 C và Rain Forest - chứng nhận canh tác bền vững. Canh tác theo hướng bền vững, không sử dụng tràn lan phân thuốc nên chi phí đầu vào sản xuất giảm đi khoảng 10 -15% so với canh tác truyền thống. Năng suất, chất lượng cà phê cũng tăng lên nhờ thu hái đúng cách.
Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp bền vững Trọng Phú, xã Eahiao, huyện Ea H'leo, Đắk Lắk chia sẻ: "Lúc đầu, bà con hái cà phê chưa đạt được tiêu chuẩn hái xanh nhiều nên năng suất của mình giảm. Từ hồi tham gia chương trình này, bà con hái chín, tăng sản lượng của vườn của mình lên, lợi nhuận của mình tăng lên rõ rệt. Cho nên bà con rất hưởng ứng theo chương trình này".
Là vùng trồng tham gia liên kết với công ty Intimex Buôn Ma Thuột, hợp tác xã Đại Thắng được hướng dẫn và cung cấp vật tư sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và thu mua toàn bộ sản lượng cà phê với giá cao hơn thị trường từ 10 -15.000 đồng/kg. Hơn nữa, vùng trồng này đã được cấp chỉ dẫn địa lý, định vị bản đồ thửa đất để việc thu mua xuất đi châu Âu không bị gián đoạn.
Anh Vũ Văn Dần - Hợp tác xã Đại Thắng, xã Eahiao, huyện Ea H'leo, Đắk Lắk cho biết: "Ngày xưa sản xuất manh mún nhiều. Khi mình tham gia vào chuỗi giá trị, lượng hàng sẽ tăng lên, sản phẩm được công ty hỗ trợ giá tốt hơn, đầu ra rất ổn định".
Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk nhận định: "Đã ban hành kế hoạch giao nhiệm vụ cho các sở ngành các cấp và 7 huyện trọng điểm phát triển cà phê để triển khai các thủ tục yêu cầu điều kiện thiết lập các bản đồ, hồ sơ để minh chứng vùng sản xuất không liên quan đến mất rừng và suy thoái rừng theo yêu cầu của Liên minh châu Âu".
Đắk Lắk là vùng trồng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha. Để đáp ứng quy định mới, thời gian qua, những mô hình sản xuất cà phê bền vững ở các địa phương trong vùng thí điểm được tổ chức lại sản xuất trên những diện tích đã có, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tránh làm ảnh hưởng việc thực thi các quy định EUDR.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!