Quy hoạch tuyến đường sắt liên vận Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mới đây đã được Cục Đường sắt Việt Nam trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét và trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Với phương án chiều dài hơn 447 km và đi qua 10 tỉnh phía Bắc, một đầu sẽ kết nối với đường sắt Trung Quốc tại tỉnh Lào Cai. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho dự án hơn 183.800 tỷ đồng.
Khu vực cảng biển Hải Phòng với lượng hàng hóa ngày càng tăng, trong đó hàng hóa quá cảnh để sang Trung Quốc chiếm một phần không nhỏ. Do đó, việc có một tuyến đường sắt liên vận đồng bộ về hạ tầng với phía nước bạn sẽ là cơ hội lớn cho tăng trưởng hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ hiện nay.
9 tháng năm nay, ga Hải Phòng đã có trên 500.000 tấn hàng hóa thông qua, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó chủ yếu là hàng liên vận quốc tế. Tuy nhiên, hàng đi bằng đường sắt chưa đáng kể gì so với tổng lượng hàng hóa cập cảng khu vực Hải Phòng rồi đi tiếp sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Phóng - Trưởng ga Hải Phòng cho biết: “Thiếu những toa xe xếp hàng liên vận quốc tế chạy thẳng từ ga Hải Phòng đến các ga của đường sắt Trung Quốc mà phải dùng những toa xe thường xếp tại ga Hải Phòng, trung chuyển đến ga Lào Cai dỡ xuống trung chuyển sang bên đường sắt Trung Quốc”.
Việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ đóng vai trò "chia lửa", giảm áp lực lên hạ tầng đường bộ và ô nhiễm môi trường
Doanh nghiệp chuyên vận tải hàng liên vận bằng đường sắt cho rằng, nếu có tuyến đường sắt liên vận khổ 1.435 từ Hải Phòng đi Hà Nội - Lào Cai sang Trung Quốc, chi phí vận chuyển có thể giảm từ 20 - 30%. Nếu chỉ khoảng 10% hàng nguyên liệu đi Vân Nam (Trung Quốc) vào khu vực Hải Phòng và chọn đi đường sắt liên vận, sản lượng đã có thể lên tới vài chục triệu tấn trong vòng 5 năm tới.
Ông Dương Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dịch vụ đường sắt Hải Phòng nhận định: “Từ Viêng Chăn sang Vân Nam qua đường sắt Trung Lào, họ bắt đầu tuyến mới lúc đầu chỉ có 10 mặt hàng, bây giờ lên 2.000 mặt hàng. Vận chuyển trong vòng một năm 2023, họ đã được 14 triệu tấn thì không có lý do gì ở Hải Phòng mà hàng lại quá cảnh qua Trung Quốc, hàng nội địa tôi nghĩ là từ 10 triệu đến 30 triệu là chuyện bình thường”.
Hàng hoá qua các cảng biển Hải Phòng được dự báo tăng trưởng bình quân từ 10 - 20%/năm. Cơ hội cho đường sắt liên vận là không nhỏ.
Ông Đỗ Minh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần vận tải 1 TRACO cho biết: “Chúng ta không sớm làm để kết nối giữa đường sắt với các phương tiện cũng như cơ sở hạ tầng cho đường sắt thì việc mong muốn của chúng ta cũng chỉ là mong muốn. Thời điểm này là điều kiện tốt nhất phát triển ngành đường sắt để cho các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như các doanh nghiệp logistic”.
Với thế mạnh vận chuyển nhiều container cùng lúc, việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ đóng vai trò "chia lửa", giảm áp lực lên hạ tầng đường bộ và ô nhiễm môi trường. Theo tính toán của doanh nghiệp, nếu được đầu tư, tuyến đường sắt liên vận mới sẽ có lượng hàng hóa gấp từ 10 - 15 lần so với tuyến hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!