Để đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện về tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm tăng tổng cầu, kích thích tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, sớm khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định đời sống của Nhân dân, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, thực hiện các giải pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường và khuyến khích tiêu dùng để khơi thông thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại. Tích cực tổ chức các chương trình khuyến mại trên phạm vi vùng và toàn quốc, đưa hàng hóa đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp để kích cầu tiêu dùng trong nước. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đẩy nhanh thủ tục giải ngân kinh phí triển khai các Chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng của các bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước; Phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu giải pháp kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực tiêu dùng, phục vụ đời sống. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước; tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, giảm lãi vay cho doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu, kết nối hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản tại các vùng sản xuất tập trung.
Bộ Xây dựng thực hiện hướng dẫn các địa phương có chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản, nhà ở xã hội và thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững nhằm kích cầu tiêu dùng các mặt hàng vật liệu xây dựng được sản xuất trong nước.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, triển khai các chính sách, giải pháp nhằm kích cầu du lịch; hướng dẫn các địa phương phát triển điểm đến hấp dẫn, có chất lượng và đa trải nghiệm với các sản phẩm du lịch sáng tạo, đặc thù, có tính liên vùng.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp nhằm tổ chức tốt thị trường trong nước, tạo thuận lợi cho hoạt động tiêu thụ hàng hóa; tăng cường kết nối vùng, chú trọng kết nối về logistics, tạo thuận lợi trong hoạt động vận chuyển hàng hóa lưu thông. Phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất tại địa phương, nhất là dịp cuối năm nhằm khai thác tối đa thị trường nội địa. Chỉ đạo hệ thống phân phối trên địa bàn bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ được đưa ra kịp thời, đúng vào thời điểm thị trường tiêu dùng, ngành bán lẻ đang bước vào giai đoạn cao điểm, nhộn nhịp nhất trong năm. Bởi còn khoảng 1 tháng nữa sẽ đến Lễ Giáng sinh và năm mới 2025, sau đó là Tết Nguyên Đán. Đây là thời điểm không chỉ người tiêu dùng mà cả các doanh nghiệp cũng rất quan tâm bởi có thể giúp họ tăng mạnh doanh số.
Trong bối cảnh sức mua chưa bùng nổ, từ trung ương đến các địa phương đều đang nỗ lực kích cầu. Tại TP Hồ Chí Minh, người tiêu dùng đang có cơ hội mua sắm hàng khuyến mại bởi từ nay đến hết tháng 12 - nằm trong tháng khuyến mãi tập trung, khi doanh nghiệp có thể giảm giá lên tới 100%.
Còn tại Hà Nội, hàng loạt chương trình kích cầu cuối năm cũng được triển khai từ giữa tháng 11. Như Tháng Khuyến mại Hà Nội thu hút 1.000 điểm khắp thành phố với mục tiêu sẽ tạo đột phá kích cầu tiêu dùng nội địa.
Nhiều khuyến mại dành cho người tiêu dùng dịp cuối năm
Nhiều mặt hàng được giảm giá sâu nhân dịp Ngày hội khuyến mại để kích thích tiêu dùng.
Tại Ngày hội Khuyến mại tháng 11, dù là 1 buổi chiều trong tuần nhưng không khí mua sắm vẫn diễn ra khá sôi động khi, tại đây có đến 100 gian hàng từ nhu yếu phẩm thiết yếu, thực phẩm, quần áo và nhiều mặt hàng giảm giá đến 50%, hội chợ sẽ mở cửa từ sáng đến 10 giờ tối trong 8 ngày.
Hội chợ thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng với mong muốn sắm được những món đồ cần thiết cùng mức giá phải chăng. Dịp khuyến mại cuối năm cũng là thời điểm nhiều nhãn hàng tận dụng để tăng doanh thu. Trong bối cảnh người tiêu dùng ưa chuộng các kênh mua sắm trực tuyến, nhiều thương hiệu cũng chạy khuyến mại đa nền tảng.
"Đây là đợt sale lớn nhất cửa hàng tôi trong năm, tôi thấy lượng đơn tăng khoảng 40-50%. Đa số mọi người mua livestream hơn trực tiếp cửa hàng", chị Nguyễn Thị Nga, quản lý cửa hàng Hebe Design chia sẻ.
TP Hà Nội đã bắt đầu triển khai Chương trình khuyến mại tập trung từ tháng 5 năm nay nhưng thời điểm cuối năm sẽ đẩy mạnh thêm nhiều hoạt động. Ngoài Ngày hội khuyến mại, ngành Công Thương Hà Nội cũng có thêm chương trình như Hanoi Midnight Sale 2024 hay các cửa hàng cũng có chương trình Black Friday nhằm tạo bùng nổ doanh thu dịp cao điểm.
Sức mua cuối năm đang tăng dần
Sức mua đang tăng dần tại các hệ thống bán lẻ, đặc biệt ở nhóm mặt hàng nhu yếu phẩm.
Khảo sát người tiêu dùng năm 2024 của PwC mới đây nhận định: 63% người tiêu dùng Việt Nam dự kiến sẽ gia tăng chi tiêu cho mặt hàng nhu yếu phẩm, tiếp theo là quần áo (52%) và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (48%).
Như vậy có thể thấy, đối với các nhóm hàng quan trọng nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng vẫn đang rất tốt, đặc biệt là ở thời điểm này. Thực tế thị trường cũng cho thấy, sức mua đang tăng dần tại các hệ thống bán lẻ đặc biệt ở nhóm hàng tiêu dùng nhanh.
Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, các hệ thống bán lẻ thường tập trung những nhóm hàng: nước giải khát, bánh kẹo, đồ nguội vào khu vực giảm giá riêng. Bởi đây là mặt hàng có sức mua tăng mạnh nhất cuối năm. Tại hệ thống bán lẻ, sức mua đang tăng lên từng ngày.
"Bộ Công Thương dự kiến sức mua tăng 10% cuối năm, chúng tôi đang chuẩn bị nguồn hàng tăng khoảng 10-25% cho mùa lễ hội này. Chúng tôi cũng hy vọng rằng với kinh tế hiện giờ đang ổn định, tâm lý tiêu dùng chi tiêu mạnh tay cuối năm cùng những khuyến mãi tại hệ thống siêu thị chúng tôi sẽ kích thích mua sắm từ giờ đến cuối năm rộn ràng hơn", bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông - Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thương - Giám đốc siêu thị WinMart Thăng Long cho hay: "Thực tế khách hàng những ngày cận tết thì tăng trưởng từ 200 - 300%, trong ngành bán lẻ, chúng tôi đã có kế hoạch thay đổi nhưng layout mua sắm của Tết những gam hàng bánh kẹo, gam hàng thờ cúng giỏ quà, phù hợp với giai đoạn mua sắm của khách hàng".
Tuy sức mua đang tăng dần do vào cao điểm, nhưng doanh nghiệp cũng cần có chiến lược để tận dụng lợi thế thời điểm này.
Ông Mohammad Mudasser - Giám đốc dịch vụ Quản lý vốn lưu động, Công ty PwC Việt Nam cho biết: "Thách thức lớn nhất hiện nay với doanh nghiệp là tạo ra nhu cầu. Để giải quyết những thách thức này, doanh nghiệp nên tập trung vào nâng cao giá trị sản phẩm đối với khách hàng - đặc biệt là tính bền vững của sản phẩm. Thứ hai là tập trung vào giảm chi phí, đặc biệt là trong các lĩnh vực như vận hành và chuỗi cung ứng".
Trong số các giải pháp kích cầu, việc giảm thuế giá trị gia tăng đã có tác động lớn nhất, vì không chỉ có độ phủ tới tất cả người tiêu dùng, mà còn góp phần giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Vì vậy, với cú hích từ sức mua dịp cuối năm, doanh nghiệp đang có cơ hội đẩy mạnh doanh số bán hàng.
Các công ty nghiên cứu thị trường, và các chuyên gia nhận định, mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng nhu cầu tiêu dùng trong nước đang phục hồi, cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương trong việc chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, ổn định giá cả sẽ góp phần rất lớn kích thích thị trường tiêu dung trong những tháng cuối năm, đây cũng là động lực quan trọng để thúc đẩy tang trưởng, bảo đảm mục tiêu đã đặt ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!