10 tháng, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%
Trên 5,2 triệu tỷ đồng là tổng mức bán lẻ của hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 10 tháng qua, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự đoán của Bộ Công Thương con số này còn tăng hơn nữa vào mùa mua sắm, tiêu dùng cuối năm. Chỉ còn 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán, khoảng thời gian này được coi là giai đoạn quan trọng cho ngành tiêu dùng bứt tốc, đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm.
Nắm bắt cơ hội này, thực hiện hoạt động kích cầu tiêu dùng mua sắm thời điểm cuối năm, ngành Công Thương sẽ phối hợp với nhiều địa phương trên cả nước đồng loạt tổ chức các chương trình giảm giá, khuyến mại quy mô lớn. Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức sự kiện Tháng Khuyến mại Hà Nội với khoảng 800 -1.000 điểm khuyến mại và 50 điểm Vàng khuyến mại.
Các loại thực phẩm khô bày bán tại một siêu thị. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 15/11, tại Hà Nội, đã khai mạc Tuần lễ khuyến mại kích cầu tiêu dùng tại phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ Ngọc Khánh, Giảng võ. Sự kiện nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, bình ổn các mặt hàng thiết yếu và nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm Việt.
Theo ghi nhận, không khí tại đây khá tập nập khi có tới 30 gian hàng đa dạng sản phẩm từ đồ ăn, sản phẩm OCOP, đồ gia dụng, quần áo với nhiều khuyến mại 30 - 50%.
Phố kinh doanh dịch vụ đi bộ Giảng Võ, Ngọc Khánh, nằm trong một chuỗi chương trình Hành động vì người tiêu dùng diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chương trình sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày, nhằm kết nối các tiểu thương với người tiêu dùng.
Nhà bán lẻ lên kế hoạch phục vụ tiêu dùng Tết
Đồng hành cũng ngành Công Thương và địa phương, các nhà bán lẻ cũng đang tích cực triển khai kế hoạch bình ổn hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Bánh, kẹo hay thậm chí là giấy ăn đều là các sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn rất nhiều và nhu cầu này đặc biệt tăng cao khi sắp tới gần dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Hiện các gian hàng ở siêu đều được sắp đầy ắp các sản phẩm để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Có rất nhiều chương trình khuyến mãi từ 20%, 30%, 40% hay các chương trình mua 1 tặng 1 đang được áp dụng cho hầu hết các sản phẩm tại siêu thị từ nay đến cuối để phục vụ nhu cầu của khách mua sắm.
Ngoài các chương trình khuyến mãi đã được áp dụng trên toàn hệ thống, công tác chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm cũng đang bước vào giai đoạn hoàn thành. Như việc những tấm biển quảng bá cho một mùa mua sắm mới đang được các siêu thị gấp rút treo lên, hay việc tập dượt lên các phương án bài trí các kệ hàng, gian hàng phù hợp với các lễ hội cuối, và Tết nguyên đán.
Ước tính, trước Tết khoảng 1 tháng thì nhu cầu thịt lợn có thể tăng 35% so với thường ngày, còn tuần giáp Tết thì con số này có thể là 100%. Ảnh minh họa - Ảnh: PLO.
Còn một hệ thống phân phối bán lẻ cho biết, họ lại tập trung mạnh vào mảng thịt lợn vì theo ghi nhận của họ nhu cầu thịt lợn càng về cuối năm càng tăng mạnh. Ước tính, trước Tết khoảng 1 tháng thì nhu cầu thịt lợn có thể tăng 35% so với thường ngày, còn tuần giáp Tết thì con số này có thể là 100%.
Để đáp ứng nhu cầu này, họ cũng có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh các điểm bán nhượng quyền ở các điểm dân cư đông đúc, để tiếp cận gần hơn với khách hàng, cạnh tranh trực tiếp với chợ dân sinh.
Theo đại diện của hệ thống siêu thị, dự kiến các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, rau quả sẽ tăng trưởng từ 20 - 30% vào dịp cuối năm. Lượng khách sẽ tăng dần đều và càng đến cận Tết nguyên đán lượng khách sẽ tăng từ 200 - 300%.
Như vậy, trong 2 tháng tới sẽ là thời gian chạy nước rút của các doanh nghiệp bán lẻ, họ sẽ phô diễn hết tiềm lực của mình để dành được những miếng bánh thị phần ngon nhất, lớn nhất.
Đảm bảo nguồn cung thực phẩm
Song song với guồng quay của hệ thống bán lẻ thì guồng máy của nhiều đơn vị sản xuất thực phẩm cũng đang khẩn trương để đảm bảo nguồn hàng đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đặc biệt thực hiện đúng cam kết giao hàng đúng hẹn cho các đơn vị phân phối.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, nhu cầu tiêu thụ thịt cuối năm thường tăng trên 15% và ngoài sản phẩm thịt tươi sống, những sản phẩm chế biến cũng đang được chú trọng sản xuất để đáp ứng tiêu thụ của người tiêu dùng trong nước.
Thịt lợn có vai trò rất quan trọng trong việc bình ổn giá thực phẩm, do đó cần đảm bảo nguồn cung thịt lợn tăng thêm từ 10% đến 15% dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa.
Công ty cổ phần Vissan cho biết, ngân sách dành cho sản xuất các mặt hàng thịt và chế biến từ thịt cho dịp cuối năm nay là 540 tỷ đồng, tăng 8% so với năm ngoái. Họ tập trung tới 4/5 sản phẩm là qua chế biến để cung cấp cho Tết và cam kết bình ổn giá cho dù nhu cầu có tăng cao.
Còn với Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam - một doanh nghiệp chăn nuôi, với tổng đàn lợn trên 700.000 con trong năm nay, tăng gấp đôi năm ngoái, nên họ tự tin nguồn cung thị lợn ra thị trường là khá dồi dào. Ngoài việc cung ra thị trường một lượng thịt tươi, họ cũng bắt đầu chú trọng đến các sản phẩm qua chế biến, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại các thành phố lớn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thịt lợn có vai trò rất quan trọng trong việc bình ổn giá thực phẩm, do đó cần đảm bảo nguồn cung thịt lợn tăng thêm từ 10% đến 15% dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán tới, không để xảy ra dịch bệnh, biến động giá cả.
Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 nêu rõ Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao cần nắm chắc tình hình thị trường, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng điện, xăng dầu, lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác để điều tiết sản xuất, quản lý thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!