Bà Nguyễn Thị Chi, đại diện cho 5 nhà đầu tư bên ngoài công ty nhưng đang sở hữu 1,63 triệu cổ phần Hacinco (tương đương trên 16,3 tỷ đồng và 34% vốn điều lệ). Trong suốt gần 12 năm qua, theo bà Chi, việc chuyển nợ thành vốn góp tại Hacinco là sai quy định, việc bán cổ phần ưu đãi cho cán bộ công nhân viên không đúng chính sách chế độ, nên bà Chi cùng 4 nhà đầu tư trong nhóm kiến nghị điều chỉnh vốn điều lệ của Hacinco từ 47,1 tỷ đồng xuống 28,3 tỷ đồng. Trong đó 16,3 tỷ đồng của bà Chi và các nhà đầu tư sẽ chiếm trên 57% vốn điều lệ, chứ không phải trên 34,6%.
Bà Chi đã dẫn ra rất nhiều văn bản từ báo cáo của Công an thành phố Hà Nội, của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, của Sở Tài chính Hà Nội, của Bộ Tài chính. Quan điểm của những văn bản trên ghi nhận những kiến nghị của bà Chi là có cơ sở.
Tuy nhiên, các cổ đông khác khi được hỏi về những kiến nghị của nhóm nhà đầu tư trên, họ lại khẳng định phương án vốn điều lệ được phê duyệt hoàn toàn đúng pháp luật.
Sau khi có các ý kiến trái chiều, Thủ tướng chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra tại Hacinco và đã có kết luận số 2125, trong đó có nêu các sai phạm của Hacinco đã được giải quyết.
Mới đây nhất, tháng 12/2016, Thành ủy Hà Nội có văn bản số 514 và UBND TP Hà Nội có văn bản số 440, báo cáo kết luận cuối cùng về vấn đề này, theo đó, chấp nhận việc chuyển nợ thành cổ phần vốn góp, giữ nguyên vốn điều lệ 47,1 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp nhà nước chiếm 9,65%, vốn cổ đông mua đấu giá trên sàn giao dịch 78,5%.
Tưởng chừng mọi việc đã kết thúc ở đây, nhưng nhóm 5 cổ đông bên ngoài tiếp tục kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ, không đồng thuận với kết quả trên. Và câu chuyện 12 năm cổ phần hóa của Hacinco vẫn chưa có hồi kết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!