Chuyển hướng linh hoạt hỗ trợ tăng trưởng

Tiến Anh-Thứ ba, ngày 04/04/2023 20:25 GMT+7

VTV.vn - Theo các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những nền kinh tế chuyển hướng kịp thời sang hỗ trợ tăng trưởng cho từng động lực trong nền kinh tế.

Hôm nay (4/4), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đều nâng triển vọng tăng trưởng các nền kinh tế của khu vực châu Á. Theo đó, ADB đưa ra dự báo tăng trưởng 4,8%, còn WB đưa ra con số tăng trưởng 5,1%.

Còn với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế năm nay được 2 tổ chức này dự báo lần lượt là 6,5% và 6,3%. Mức tăng trưởng này cao hơn dự báo trước đó trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn từ khu vực cũng như toàn cầu.

"Quyết định đột phá là yếu tố then chốt để nền kinh tế vượt khó", đây là nhận định trong báo cáo của ngân hàng ADB về quyết tâm của Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân đầu tư công khoảng 30 tỷ USD trong năm nay và đã được phân bổ để giải ngân cho các bộ và địa phương kể từ tháng 1/2023.

Chuyển hướng linh hoạt hỗ trợ tăng trưởng - Ảnh 1.

Vốn và tính thanh khoản sẽ tạo động lực cho bánh xe kinh tế. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

"Đầu tư công có tác động lan tỏa rất lớn cả trực tiếp và gián tiếp tới toàn nền kinh tế. Chúng tôi đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ giải ngân một khối lượng rất lớn trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế. Công tác đấu thầu, giá cả, thủ tục kiểm định về môi trường đã được rốt ráo tháo gỡ ngay từ đầu năm. Nếu hoàn thành mục tiêu giải ngân hết sẽ đóng góp 1% GDP", ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, cho biết.

Vốn và tính thanh khoản sẽ tạo động lực cho bánh xe kinh tế. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong châu Á chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng chính sách tiền tệ. Báo cáo nhấn mạnh việc chuyển hướng nhanh chóng giúp tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy đà sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng, xuất nhập khẩu thời gian tới.

"Thách thức trong thời gian tới đối với Việt Nam là nhu cầu thế giới giảm, vì vậy làm sao để duy trì sức tiêu dùng, đầu tư tư nhân, sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tất cả đều chịu tác động bởi lạm phát. Việt Nam đang tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ứng phó linh hoạt thách thức bên ngoài và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô", ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhận định.

"Hầu hết các nhà quan sát đều kỳ vọng Việt Nam sẽ vượt trội so với các quốc gia trong ASEAN. Nhận định này dựa trên sự trở lại của du lịch và vận tải - những ngành dịch vụ từng bị đình trệ trong đại dịch, đang có những dấu hiệu phục hồi", ông Jonathan Pincu, chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, nói.

Theo các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những nền kinh tế chuyển hướng kịp thời sang hỗ trợ tăng trưởng cho từng động lực trong nền kinh tế. Đây là hướng chuyển hợp lý và sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được mức tăng trưởng GDP 6,5%. Con số này cao hơn mức dự báo trung bình cho khu vực Đông Nam Á là 4,7%.

ADB: Việt Nam cần có 3 đột phá để đạt tăng trưởng 6,5% ADB: Việt Nam cần có 3 đột phá để đạt tăng trưởng 6,5%

VTV.vn - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế mới nhất cho Việt Nam là 6,5% trong năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước